Mận Hồng Đào Trung Lương

Không biết mận Trung Lương từ đâu đem về, hay chính gốc xuất xứ tại Mỹ Tho, nhưng khi hơi lớn khôn một chút tôi đã biết đến quả mận Trung Lương, đã từng trực tiếp hái và “xử lý” tại chỗ. Ai là người Mỹ Tho chuộng vọng cổ hẳn ít nhiều cũng biết đến loại đặc sản nổi tiếng này qua bài vọng cổ “Quả mận Trung Lương” mà nghệ sĩ Viễn Châu sáng tác, nghệ sĩ Diệu Hiền ca từ những năm 60 của thế kỷ trước.


Ngày xưa, khoảng những năm 60-70 gì đấy của thế kỷ XX, mận Trung Lương được trồng đại trà trên khắp vùng đất của phường 5 và các xã ven thành phố Mỹ Tho. Nhiều nhất là miệt vườn Đạo Thạnh, Trung An khoảng ngã ba Trung Lương (có lẽ vì vậy mà có tên mận Trung Lương chăng?). Lúc đó, dải đất từ ngã ba bến đò Nhà thiếc (ngã ba quốc lộ 60 đường rẽ về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây bây giờ) chạy dài đến ngã ba Trung Lương, người dân trồng rất nhiều loại mận này. Mận Trung Lương có hai loại “hồng đào sọc” và “hồng đào đá”. Hồng đào sọc thì trái tròn, hơi mô lên ở phần cuống có những sọc trắng hồng chạy dài từ cuống đến đít quả mận, hồng đào đá thì có màu da hồng hồng, trái cứng (đá mà lị!), hai loại mận này ăn vừa giòn vừa ngọt, ít có trái chua. Ngày còn nhỏ, chúng tôi thường rủ nhau chất hai, ba đứa lên chiếc xe đạp, chạy lên các vườn mận vào hỏi mua. Lúc đó, người nhà vườn không bán lẻ, nhưng đối với bọn nhỏ chúng tôi thì được “phá lệ” cho mua, ăn tại chỗ hay đem về cũng được, đơn vị tính bằng…thúng chứ không có tính ký lô như bây giờ.
 


Một thúng mận giá chỉ vài đồng bạc mà đựng đầy căng một cái giỏ đệm bàng, ăn tại chỗ chỉ có nước…chết no, nên chúng tôi thường đi vòng vòng vườn, tự tay hái, mua rồi mang về cả nhà xúm lại cùng ăn. Nói thật, lúc ấy chỉ cần một cây ăn một trái thôi là bạn sẽ không đi nỗi vì…no! Mận hồng đào mà ăn với nước mắm đường thì…trên cả tuyệt vời! Trái mận mặc dù không chua, nhưng ăn với nước mắm đường có giầm một trái ớt hiểm thì ngon hết biết, tách đôi một trái mận, bỏ hột chế đầy nước mắm đường vào đó rồi “xực”, ăn vào hả hê cả…chân răng. Rồi với đà mở rộng thị xã, dần dần các khu vườn mận sum suê, trĩu quả được thay bằng những ngôi nhà. Tưởng đâu chỉ ở các vùng nội thị, nào ngờ cả khu vườn mận Trung Lương trong xã Đạo Thạnh cũng bị đốn bỏ vì không kinh tế, thay vào đó là những cây xoài, cây nhãn…Bây giờ, muốn tìm một trái mận Trung Lương “chính hiệu con nai vàng” cho dù tìm đến “đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái, hai mắt đều xốn” cũng khó tìm ra!

Những quả mận Trung Lương một thời gắn bó với cái tên Mỹ Tho cũng đi vào quá khứ. Nhưng trong lòng chúng tôi, những đứa học sinh tiểu học của những năm 60- 70, những trái mận Trung Lương ngọt ngào như vẫn còn tồn tại mỗi khi chúng tôi – những thằng còn sống sót – gặp nhau, nhắc nhau về kỷ niệm của cái thời “nhất quỷ, nhì ma…”. Cái thời mà xe đạp hiếm hoi, đường sá cách trở khó đi, cả bọn dám cả gan lội bộ từ phường 6 đi theo đường Lý Thường Kiệt, vượt qua cầu đôi “Đạo Ngạn” lên tận Trung Lương mua mận đem về. Vừa đi, vừa ăn cho đến nhà thì chỉ còn cái giỏ đệm không! Bây giờ người ta lại đi tìm giống mận An Phước tận Bến Tre đem về trồng, cho dù có ngọt, có ngon nhưng với tôi cũng không sánh bằng những quả mận Trung Lương vừa ngọt, vừa giòn thuở ấy!.