Điêu khắc và không gian văn hóa du lịch

       Cuộc hội ngộ điêu khắc lần III của giới điêu khắc TPHCM năm 2012 đang diễn ra tại Khu Du lịch Văn Thánh, đã tạo được những góc không gian đẹp.

Tác phẩm Thủy triều đen của Trần Quang VInh, được trưng bày trong không gian xanh phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường.

Mở rộng không gian

Không giống nghệ thuật giá vẽ, các tác phẩm điêu khắc luôn đòi hỏi một không gian trưng bày tương đối rộng, môi trường thoáng đãng. Ở đây, sự nổi bật của mảng phù điêu trên tường hay những bức tượng đẹp trưng bày trong sảnh, gây được sự chú ý cho người thưởng ngoạn. Sức sống của tác phẩm toát lên từ cách tạo dáng sinh động, giàu cảm xúc qua hình tượng những người phụ nữ vùng cao, thiếu nữ, người mẹ hoặc nhiều diễn biến nội tâm khác nhau của con người qua tượng chân dung.

Cuộc trưng bày cho thấy, song song với hình thức phòng trưng bày như bấy lâu nay, nhiều tác phẩm đã được đặt ngoài không gian thiên nhiên. Trên thảm cỏ xanh tạo nền, những bức tượng được các nhà điêu khắc mạnh dạn sử dụng nhiều chất liệu bền vững và khá táo bạo, bộc lộ những cảm hứng sáng tác về cuộc sống đời thường thật đa dạng, tinh tế. Mặt khác, không ít tác phẩm mang hơi hướng tượng đài thu nhỏ đã mô tả lịch sử, mô tả hình tượng các vị anh hùng dân tộc.

Lướt qua cuộc trưng bày trong sảnh, ngoài sân Khu Du lịch Văn Thánh, không kể tên đề tài hay xu hướng sáng tác, người xem có thể tìm thấy tên tuổi của nhiều thế hệ nghệ sĩ: Đinh Rú với Thầy cả của làng, Lâm Quang Nới - Quang Trung, Nguyễn Lệ Thủy - Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phùng Chí Thu - Tắm suối, Nguyễn Tấn Cương - Chỉ, Phan Ngọc Long - Gió đông, Lương Văn Thạnh - Người đàn bà và sự bí ẩn, Trần Việt Hưng - Tắc kè hoa, Tắc kè quả, Trần Hữu Thời - Cửa, Lê Lang Biên - Xòe ô che nắng, Nguyễn Vinh - Chung cư, Trần Quang Vinh - Thủy triều đen, Đỗ Thịnh - Tiếng gọi của rừng, Nguyễn Hoàng Ân - Hiệu ứng nhà kính, Trần Tuấn Nghĩa - Tái tạo…

Tạo sức hút văn hóa du lịch

Đi tìm không gian đô thị lý tưởng trong thời điểm hiện nay quả là khó khăn. Gần đây, những nỗ lực của các nghệ sĩ điêu khắc cùng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Quốc gia TPHCM, Làng Du lịch Bình Quới, Khu Du lịch Văn Thánh… đã mang lại những điểm sáng kết nối mới cho ngành điêu khắc phát triển.

Với góc nhìn của một nhà quản lý, ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, cho rằng, trưng bày tác phẩm ở khu du lịch sẽ được đông đảo người thưởng ngoạn. Ngày nay, giáo dục và thưởng ngoạn mỹ thuật có nhiều hình thức. Ngoài vai trò của nhà trường, của bảo tàng, các tác phẩm tượng ở công viên, ở khu du lịch cũng sẽ tạo hiệu ứng tốt, thấm dần tinh thần yêu cái đẹp cho mọi người dân.

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Trưởng ngành Điêu khắc, Hội Mỹ thuật TPHCM bộc bạch: “Lâu nay vai trò của nghệ sĩ điêu khắc trong sáng tác và đời sống luôn có sự tương tác hữu ích. Đã đến lúc các nhà điêu khắc không thích ngồi than vãn, nhìn tác phẩm bị xếp xó, mà là muốn vào cuộc với khả năng có thể đảm đương công việc do xã hội đặt ra. Thực tế, nếu được sự quan tâm của các nhà quản lý văn hóa và cộng đồng, người sáng tác dễ tìm nguồn cảm hứng để sáng tác phục vụ xã hội, dù là thực hiện thể loại tượng công viên hay tượng đài. Diện mạo TP đang thay đổi hàng ngày. Nhiều công trình xây dựng mới nổi bật khá quy mô và hiện đại.

Thế nhưng, hệ thống tượng nhân vật, tượng trang trí dành cho không gian này quá thiếu vắng. Nên chăng chúng ta cần tăng cường giải pháp xã hội hóa, yêu cầu với các công trình xây dựng hoành tráng, bề thế, phải có tượng trang trí, làm đẹp cảnh quan tương thích, theo quy định luật pháp như cách làm của Seoul, Hàn Quốc?

Mặt khác, không phải khập khiễng hay rập khuôn, tại sao chúng ta không tạo không gian tượng công viên dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc như các cụm tượng dọc theo bờ sông ở Singapore? Rất đẹp và thân thiện”.

Làm được tượng có ý nghĩa, chất lượng cũng là cách giáo dục thẩm mỹ, giúp người dân tiếp cận cái đẹp một cách gần gũi, tự nhiên. Và xa hơn, nếu sự tốt đẹp này phát triển, tạo được sức thu hút đối với khách du lịch, có thể đây là một mô hình cần nhân rộng.