Biển đảo thân yêu qua ký sự truyền hình
Từ giữa tháng 12-2014, loạt Ký sự biển đảo dài 100 tập của Đài PT-TH Bình Dương sẽ ra mắt công chúng, phản ánh bức tranh đa sắc màu của đất, trời, biển, đảo thân yêu trên dải đất hình chữ S.
Những ngày rong ruổi…
Là một trong những phóng viên trực tiếp tham gia thực hiện loạt ký sự 100 tập về biển đảo Việt Nam, anh Đặng Ngọc Quý (Đài PT-TH Bình Dương) đã cùng đồng nghiệp đi gần như hết dải đất Việt theo cung đường biển. Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng để lại trong anh nhiều tình cảm hơn cả là những ngày làm 7 tập phim ở đảo Trường Sa Lớn. Tại đây, anh đã gặp Đại đức Thích Giác Nghĩa, trước trụ trì hai ngôi chùa lớn ở Khánh Hòa, đã viết đơn tình nguyện ra chùa Trường Sa Lớn, dẫu biết sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Một trong khó khăn đó chính là việc ăn chay. Bởi trên đảo Trường Sa Lớn, rau xanh là một thứ “vô cùng xa xỉ”. Tuy vậy, đại đức vẫn bám đảo.
Sóng biển cao 7m, đánh thẳng vào tàu HQ 936 trên đường ra Trường Sa – một hình ảnh được ghi lại trong Ký sự biển đảo.
Để có rau xanh, ngoài việc chờ tiếp tế từ đất liền, dân quân trên đảo Trường Sa Lớn còn ra sức “tự sản, tự tiêu” bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên đảo. Ở đây chỉ có rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp… là chịu được “phong ba bão táp, nắng quật mưa rào” trên đảo. Quý hiếm là vậy, thế nhưng khi đoàn làm phim của Đài PT-TH Bình Dương ghé thăm, các anh chị trong đoàn đã được các chiến sĩ thết đãi những đĩa rau xanh ngon ngọt do tự mình chăm sóc.
Còn ở đảo Song Tử Tây, lại có câu chuyện khác. Sân cỏ ở đây không chỉ là nơi luyện tập thể thao của các chiến sĩ, mà còn là nơi nuôi thả đàn bò. Anh Quý cho biết: “Cũng lạ, bò ở đây hầu như không ăn cỏ, chúng tôi vẫn cho chúng ăn thức ăn thừa, thế nhưng, món khoái khẩu của chúng lại là… giấy. Từ sách, vở, bìa các-tông cho tới bao xi măng, chúng không từ chối món nào”. Ở hòn đảo nhỏ quanh năm nắng gió này, có một “chồi non” đã được ươm mầm. Đó là cậu bé Hồ Song Tất Minh – em bé đầu tiên được sinh ra trên đảo. Không chỉ cha mẹ cháu bé một lòng vì Trường Sa, tình nguyện ra đảo, mà khi sinh bé cũng không chịu vào đất liền. Nay cậu bé đã được 4 tuổi, chạy nhảy và bơi rất giỏi. Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây ngoài giờ trực ban chiến đấu huấn luyện, có món gì ngon đều để dành mang ra cho cậu bé cưng của đảo này.
Trong hành trình thực hiện loạt Ký sự biển đảo, anh Đặng Ngọc Quý và đoàn làm phim nhận ra rằng, chẳng phải những người lính hải quân mới giữ biển, bám đảo, mà mỗi người dân trong sinh hoạt hàng ngày gắn với biển cũng là một chiến sĩ. Điển hình như ở đảo Cô Tô, anh Quý đã gặp một ngư dân có tên khá lạ: Hoàng Văn Thẩn. Theo cha bám biển từ nhỏ, cuộc sống dẫu có khó khăn nhưng anh Thẩn vẫn đầy khẩu khí: “Khó mấy tôi cũng vẫn bám biển”. Hay trên đường đến huyện đảo Vân Đồn, anh Trần Văn Khảm đi chung tàu nói chuyện đầu tư tiền tỷ vào mô hình nuôi hàu…
Anh Đặng Ngọc Quý tâm sự: “Trước khi thực hiện Ký sự biển đảo, dự tính chúng tôi sẽ thực hiện 100 tập trải đều khắp 28 tỉnh, thành có biển, tưởng chừng rất khó thực hiện. Nhưng bây giờ khi đã hoàn tất, chúng tôi thấy mình vẫn còn mắc nợ với biển đảo Tổ quốc, vẫn còn điều này điều kia chưa nói hết được, vẫn còn những câu chuyện đời gắn liền với biển chưa khai thác đến cùng. Nhưng biển đảo là dấu ấn với cuộc đời làm phóng viên của chúng tôi, bởi lẽ đất nước ta không chỉ là dải đất liền, mà cả vùng biển rộng lớn”.
Tình yêu Tổ quốc thăng hoa
Ký sự biển đảo có thể xem là sự trưởng thành của ê kíp phóng viên, biên tập viên Đài PT-TH Bình Dương về mọi mặt. Đó là ý thức chính trị, tay nghề chuyên môn và điều quan trọng, tình yêu Tổ quốc được thăng hoa khi họ trở về từ các chuyến công tác.
100 tập ký sự, mỗi tập 15 phút không phải là dài, nhưng cũng không ngắn để nói về biển đảo Việt Nam. Bắt đầu từ vùng biển Quảng Ninh và kết thúc ở Kiên Giang, chùm ký sự cho khán giả thấy bức tranh toàn cảnh về biển đảo đất nước gói gọn trong ba chủ đề chính: văn hóa lịch sử, kinh tế biển và du lịch. Trong cái nhìn của đồng nghiệp trong nước, đây là sản phẩm được chuẩn bị tốt nhất từ trước đến nay, từ phương tiện đến con người của Đài PT-TH Bình Dương. 28 tỉnh, thành ven biển được chia cho 5 nhóm phóng viên thực hiện theo cách cuốn chiếu. Cứ nhóm này về thì nhóm kia ra, tiếp nhận phương tiện, máy móc và bắt tay vào làm việc ngay ngày hôm sau. Tập ký sự đầu tiên của mỗi nhóm được hoàn thiện, mang ra “mổ xẻ” trước hội đồng thẩm định gồm những bậc “lão làng” trong nghề.
Ông Bùi Thiện Khải, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương, chia sẻ: “Là một tỉnh không có biển đảo, nên chúng tôi nhận thấy cần thấy phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương. Từ những chùm ký sự trước đây, đến dự án này, Đài PT-TH kỳ vọng xây dựng đội ngũ phóng viên có kinh nghiệm để tiếp tục những dự án tiếp theo như Ký sự Đông Dương, Ký sự những nẻo đường chiến dịch có chất lượng tốt”.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.