ĐBSCL đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị – Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 24/12 tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Tham dự hội nghị có các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lãnh đạo các Ban Đảng, bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong vùng.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang cho biết, năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội toàn vùng tiếp tục ổn định, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều duy trì tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Lãi suất huy động của ngân hàng giảm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giá cả được quản lý, kiểm soát tốt.
Chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, toàn vùng tạo việc làm mới cho 330.000 lao động, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết các địa phương đạt kế hoạch tạo việc làm do tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm nhằm tăng cường kết nối cung cầu, cung cấp lao động cho địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tại vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng còn khoảng 5,7%. Các địa phương quan tâm thực hiện chính sách người có công nên đời sống của người có công không ngừng được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng ĐBSCL có bước phát triển tích cực trên mọi mặt. Các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể đã kết hợp hiệu quả phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra tình huống bất ngờ về chính trị.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại mà vùng đang gặp phải là doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; sản xuất phát triển nhưng chưa thật bền vững, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng; hạ tầng kinh tế xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng; an ninh quốc phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro; mặc dù giảm nghèo nhanh nhưng đời sống người dân ở nông thôn còn thấp…
Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2015, các tỉnh, thành phố trong vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của vùng và mỗi địa phương. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi cấp bách với vùng nông nghiệp rộng lớn này.
“Để làm được thì phải triển khai liên kết nông dân với nông dân, nông dân với HTX, nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vừa thúc đẩy tăng giá trị và tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phải thông tin thường xuyên về các thị trường để doanh nghiệp vừa xúc tiến đầu tư vừa kết hợp sản xuất trong nước để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ danh mục đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội của vùng theo thứ tự ưu tiên, nhưng ngoài vốn đã cấp thì phải mở rộng vốn huy động xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy chế liên kết vùng ĐBSCL để không phân tán nguồn lực phát triển và đảm bảo lợi chung hài hòa của các tỉnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện tốt ứng phó với biến đổi khí hậu trong khi biến đổi khí hậu đang tác động nhanh hơn, mạnh hơn dự kiến.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH tiếp tục xây dựng chương trình hành động về đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ CNH, HĐH của vùng và của cả nước nói chung.
Nhân dịp năm mới sắp tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cho nhân dân trong vùng được vui chơi an toàn, lành mạnh.
Đề cao vai trò của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tại hội nghị, một nội dung được lãnh đạo các địa phương nhắc tới nhiều nhất trong năm qua là việc thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, khẳng định vai trò to lớn của doanh nghiệp và các mô hình HTX đối với tái cơ cấu nông nghiệp của mỗi địa phương và toàn vùng. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết có nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang hoạt động rất hiệu quả, có lãi bằng việc liên kết và cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên và là đại diện ký kết hợp đồng đầu ra với doanh nghiệp. “HTX đã thực sự giúp giảm giá thành sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân”, ông Hoan nói. Ngoài ra, tại Đồng Tháp cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp đầu tư bài bản vào nông nghiệp bằng việc xây dựng kho chứa, lò sấy thay vì chỉ làm thương mại. Công ty Lương thực miền Nam cũng giúp các HTX đào tạo nhân lực quản lý để nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất và liên kết giữa các bên. Về phía chính quyền, Đồng Tháp đang vận động thành lập Hội đồng kinh tế nông nghiệp để tham vấn chính sách phát triển kinh tế với thành phần chủ yếu là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại An Giang tình hình khó khăn hơn, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu cho biết các doanh nghiệp thủy sản cũng tới ngưỡng phá sản vì khó khăn. Toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì chỉ có 2 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, còn lại là bị lỗ. Ngoài ra còn chưa kể đến việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh (theo Nghị định 210) đang gặp khó vì không có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, một số diện ưu đãi do các bộ, ngành thẩm định, theo ông Phan Văn Sáu là gây phiền hà cho doanh nghiệp và nên để lại cho địa phương thực hiện. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, vốn đối ứng để được vay ưu đãi phát triển công nghệ của doanh nghiệp lên tới 70% là khó khăn cho doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn Chính phủ |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.