Dấu ấn của Thể thao Việt Nam 2014
Năm 2014 là năm mà Thể thao Việt Nam ghi được dấu ấn trên đấu trường châu lục. Nhưng vẫn còn đó những vấn đề mà ngành cần rốt ráo khắc phục để đáp ứng mong đợi của người hâm mộ.
Báo Điện tử Chính phủ xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm qua.
1. Rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 – Quyết định khó khăn nhưng hợp lý
Ngày 17/4/2014, kết luận tại cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD lần thứ 18 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Một quyết định thể hiện sự lắng nghe ý kiến người dân của Chính phủ sau khi cân nhắc, xem xét nhiều mặt mặc dù là một quyết định không hề dễ dàng.
Đoàn TT Việt Nam tại ASIAD Incheon, Hàn Quốc |
2. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17
Với 199 VĐV (97 nam, 102 nữ) tham gia tranh tài ở 21 môn, đoàn Thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành từ 2-3 HCV tại Asiad 17 tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc từ ngày 19/9-4/10/2014.
Chung cuộc, Đoàn Việt Nam chỉ giành được 1 HCV (nữ võ sỹ Wushu Dương Thúy Vi), 10 HCB, 25 HCĐ, xếp hạng 21/36 đoàn có huy chương/45 đoàn tham gia thi đấu.
Tuy nhiên, một số thành tích tốt tại các môn cơ bản như: Bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ… được giới chuyên môn đánh giá cao.
3. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014
Với 36 môn thi đấu (743 bộ huy chương), Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII được tổ chức ở nhiều địa phương, trong đó Nam Định là nơi đăng cai chính với Lễ khai mạc và bế mạc.
Ở kỳ Đại hội này, 63/65 đoàn giành huy chương. Các VĐV đã xác lập 57 kỷ lục quốc gia mới và phá 158 kỷ lục Đại hội.
Tuy nhiên, do thiếu sức cạnh tranh về chuyên môn, quy mô dài trải và vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích là những vấn đề mà ngành TDTT cần cân nhắc khi 4 năm nữa Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại An Giang năm 2018.
4. Việt Nam nhận cờ đăng cai Đại hội TT Bãi biển châu Á 2016
Dù không đăng cai tổ chức Asiad 2019, nhưng Việt Nam vẫn là chủ nhà một sự kiện lớn của thể thao châu lục – Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG) lần thứ V năm 2016.
Lá cờ đăng cai Đại hội Thể thao Bãi biển đã được Hội đồng Olympic châu Á trao cho Việt Nam tại Lễ bế mạc ABG IV tổ chức tại Phuket, Thái Lan vào tháng 11.
5. Thể thao Việt Nam lập kỷ lục thế giới tại Asian Para Games
Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á 2014 cũng được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc ngay sau khi Asiad 17 kết thúc. Đoàn Việt Nam chỉ dự tranh ở 6 môn nhưng đã giành 9 HCV, 7 HCB, 13 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu huy chương đề ra.
Trong thành tích của đoàn Việt Nam tại Đại hội, đáng chú ý có 1 kỷ lục thế giới ở môn cử tạ của lực sĩ Lê Văn Công (hạng 49kg nam) và VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng đoạt 5 HCV ở cả 5 nội dung tham dự.
ĐT U19 nhận được sự tán thưởng của người hâm mộ. |
6. ĐT bóng đá nam U19 – Luồng gió mới của môn thể thao vua
Năm 2014, ĐT bóng đá U19 tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ với những trận đấu gây ấn tượng mạnh tại Cúp Tứ hùng TPHCM, Giải U19 Đông Nam Á mở rộng (Hà Nội), Cúp Nhà vua Brunei, VCK giải U19 châu Á tại Myanmar và Giải U21 quốc tế Báo Thanh niên (Cần Thơ).
Với lối chơi đậm chất cống hiến, ĐT U19 đã “hút” người hâm mộ tới sân cỏ và trở thành niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần.
7. ĐT bóng đá nữ lần đầu tiên vào bán kết trên sân chơi châu lục
Năm 2014 cũng là năm thật đáng nhớ với ĐT quốc gia nữ với đan xen vui buồn, tiếc nuối.
Việc VCK Giải vô địch Bóng đá nữ châu Á 2014 (cũng là vòng loại World Cup Bóng đá nữ 2015) được tổ chức trên sân Thống Nhất, TPHCM được xem là cơ hội lịch sử để ĐT bóng đá nữ lần đầu góp mặt tại sân chơi World Cup. Tuy nhiên, để thua nữ Thái Lan 1-2 trong trận đấu quyết định, ĐT nữ Việt Nam đã mất cơ hội dự Cúp Thế giới.
Sau đó, tại Asiad 17, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã thắng chính ĐT nữ Thái Lan và lần đầu tiên lọt vào bán kết ở sân chơi châu lục.
8. Thất bại của ĐT quốc gia nam tại AFF Cup
Vào cuộc khá lặng lẽ đúng thời điểm ĐT U19 đang “hút” sự chú ý của người hâm mộ, ĐT quốc gia bóng đá nam dưới sự dẫn dắt của HLV người Nhật Bản Toshyia Miura bắt đầu cuộc chinh phục Cúp Vàng Đông Nam Á, cũng là giải đấu khu vực lớn nhất trong năm.
Dù khởi đầu vòng bảng không thực sự ấn tượng (trận đầu hòa Indonesia 2-2) nhưng sau khi thắng ĐT Lào (lượt trận thứ 2) và nhất là vượt qua ĐT Philippines với tỷ số 3-1 để giành quyền vào bán kết, các học trò của HLV Miura bắt đầu “hâm nóng” sân cỏ và thu hút được sự chú ý đặc biệt của người hâm mộ.
Ở vòng bán kết, ĐT Việt Nam gặp ĐT Malaysia.
Trong trận bán kết lượt đi trên sân khách, ĐT Việt Nam giành chiến thắng 2-1 và chiếc vé vào chơi trận chung kết AFF Suzuli Cup 2014 dường như đã chắc trong tay khi được chơi trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình.
Thế nhưng, điều không mong muốn đã xảy ra, trên sân nhà, các học trò của ông Miura đã thua Malaysia 2-4 và phải dừng bước.
Trận đấu trên sân Mỹ Đình ngày 11/12 là trận đấu gây “sốc” với người hâm mộ nước nhà.
Nguyễn Thị Ánh Viên (ngoài cùng bên phải) giành HCĐ ở cự ly bơi 400m hỗn hợp và HCĐ cự ly bơi 200m ngửa nữ trên đường đua xanh tại ASIAD 17. |
9. Nhiều gương mặt trẻ tỏa sáng
Để lại dấu ấn đậm nét trong một năm bận rộn của Thể thao Việt Nam chính là sự tỏa sáng của các gương mặt trẻ tài năng. Nổi bật là VĐV bơi lội 18 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên khi giành được huy chương ở tất cả các giải đấu đã tham dự.
Ánh Viên đã giành được HCV tại Đại hội Olympic trẻ thế giới lần thứ II; 2 HCĐ Asiad 17; 18 HCV (17 HCV cá nhân, HCV 1 đồng đội) và phá 3 KLQG, 11 kỷ lục Đại hội khi tham gia màu áo Đoàn Quân đội tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII.
Bên cạnh đó là các gương mặt khác: Thạch Kim Tuấn (cử tạ – HCB Asiad 17); Quách Thị Lan (điển kinh – HCB Asiad 17); Nguyễn Anh Khôi (vô địch Cờ vua U12 nam thế giới)…
Các VĐV trẻ chính là niềm hy vọng cho Thể thao Việt Nam./.
Nguồn chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.