Miền Trung: Tập trung bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán
Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Quảng Ngãi trích ngân sách 21,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 04 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Các đơn vị sẽ thực hiện bán hàng bình ổn giá tại 21 điểm trên địa bàn 14 huyện, thành phố trong tỉnh; thời gian bán hàng từ ngày 31/01-28/02/2015 (ngày 12 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến 10/1 năm Ất Mùi).
Mặt hàng bình ổn giá chủ yếu là những nhóm hàng thiết yếu, như gạo, nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh kẹo và rau củ quả. Mức giá đăng ký bán ra phải đảm bảo thấp hơn giá thị trương từ 5-10% tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá bình ổn.
Bên cạnh đó, các DN cũng thực hiện chương trình bán hàng về nông thôn, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá bình ổn.
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cho biết đã thống nhất hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các hộ cá thể, doanh nghiệp đăng ký kế hoạch vay Ngân hàng mua hàng dự trữ theo mức tổng vốn vay không quá 40 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với các hộ cá thể, doanh nghiệp có điểm bán hàng bình ổn giá tại địa bàn các huyện miền núi, hải đảo và 50% cho các hộ cá thể, doanh nghiệp có điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa bàn còn lại. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thực tế phát sinh tiền vay, nhưng không quá 03 tháng, kể từ ngày giải ngân vốn vay cho hộ cá thể, doanh nghiệp theo hợp đồng tín dụng chuyển tiền mua các mặt hàng thiết yếu dự trữ đến hết ngày 13/02/2015.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính chịu trách nhiệm cùng với Sở Công Thương hướng dẫn về cơ chế hỗ trợ lãi suất, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất, thời gian lập thủ tục quyết toán kinh phí hỗ trợ… để các hộ cá thể, doanh nghiệp biết, thực hiện nhiệm vụ dự trữ, bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015) đúng quy định.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định tạm ứng vốn ngân sách cho các đơn vị sản xuất kinh doanh dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và thu mua nông sản cho miền núi với tổng số tiền gần 31,5 tỷ đồng.
Các đơn vị tham gia chương trình sẽ đảm bảo dự trữ hàng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước và bán hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường tối thiểu là 5%, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn tại các điểm bán hàng bình ổn giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Ông Võ Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Coop Mart Nha Trang cho biết: Công ty đã thực hiện công tác dự trữ khoảng 6.000 mặt hàng thực phẩm với tổng trị giá lên đến 50 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị sẽ thực hiện 23 mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ quả… DN cam kết giá ở siêu thị thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.
Theo ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, ngoài các loại thực phẩm thiết yếu, đối với người dân các huyện miền núi thì các mặt hàng Tết phải phù hợp với đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lực lượng chức năng sẽ phối hợp tiến hành kiểm tra việc thực hiện bán hàng bình ổn giá vào những ngày giáp Tết. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị thu hồi lại vốn và năm sau sẽ không được ứng vốn.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.