Lạc giữa cánh đồng hoa cải bên sông Đuống

Nương theo câu thơ “sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh- Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…” của nhà thơ Hoàng Cầm, tôi đã về thăm sông Đuống để được ngỡ ngàng với mùa hoa cải bên sông..

Hoa cải bên sông đuống
i
Hoa cải bên sông đuống
Làm say lòng du khách

Từ TP Hà Nội chúng tôi theo hướng Gia Lâm, qua cầu Vĩnh Tuy đi một đoạn đường khoảng hơn 30km là đến địa phận giáp ranh Hà Nội-Bắc Ninh, bắt đầu rẽ vào con đê bao quanh sông Đuống. Gió thổi lồng lộng trên cung đường “xanh xanh bãi mía bờ dâu- ngô khoai biêng biếc”. Văng vẳng trong tâm thức những câu thơ tuyệt tác của thi sĩ Hoàng Cầm: “Ai về bên kia sông Đuống- Có nhớ từng khuôn mặt búp sen- Những cô hàng xén răng đen- Cười như mùa thu tỏa nắng…”.

Có về thăm mới cảm nhận rõ nhất, sâu sắc nhất từng lời thơ trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Thi sĩ Hoàng Cầm như đã gom hết những nét đẹp đặc trưng, giá trị văn hóa của đất và người Kinh Bắc; của hồn quê hương, đất nước và cả sự thinh lặng mênh mông trong tan thương của mảnh đất này trong những cuộc chuyển dời bãi bề nương nương dâu.

Hoa cải bên sông đuống
Hoa cải bên sông đuống
“Xanh xanh bãi mía bờ dâu- ngô khoai biêng biếc…”

Sông Đuống bây giờ đã thanh bình, hiền hòa và nên thơ với những cánh đồng hoa cải vàng bên bến sông. Một vẻ đẹp dễ khiến lòng người mê say, ngơ ngẩn. Chúng tôi cứ chạy mãi trên con đê dài uốn khúc, nhìn ngắm không biết chán những những nương ngô, những đồng hoa cải vàng rực trong nắng mai.

Sông Đuống bắt đầu từ ngã ba Dâu (xã Xuân Canh, huyện Xuân Canh,TP Hà Nội) và kết thúc ở ngã ba Mỹ Lộc( xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Đây không phải là địa điểm khai thác du lịch nhưng lại thu hút giới trẻ Hà Thành và những “kẻ lãng du” tìm đến. Lê Thu Lượng, người bạn Hà Nội của tôi nói rằng cứ mỗi mùa hoa cải, cô lại cùng bạn bè đèo nhau ra sông Đuống chụp ảnh.

Trước đây, đồng cải vàng ở cầu Thanh Trì vẫn là điểm hẹn rỉ tai cho giới trẻ, nhưng sự mênh mông và thanh bình của những cánh đồng hoa cải bên sông Đuống ngày càng thu hút hơn. Bởi ở đây, những cánh đồng hoa cải không phải được trồng để phục vụ du khách. Cái sắc vàng cứ trải dài khắp cung đường, du khách có thể dừng lại bất cứ đâu để có thể “không để lại gì ngoài dấu chân và không mang theo gì ngoài những bức ảnh đẹp”.

Hoa cải bên sông đuống
Gánh hàng rong của mẹ
Hoa cải bên sông đuống
Những thửa vàng hoa cảiHoa cải bên sông đuốngHoa cải bên sông đuống
Làng quê thanh bình

Nếu ai đã từng đến Tây Bắc mùa xuân, có thể đã tìm thấy cánh đồng hoa cải trắng, cải vàng đẹp như những bức tranh. Thì “bên kia sông Đuống” cũng gần như vậy. Không chỉ được thỏa thuê ngắm hoa, chụp ảnh, bạn cũng có thể đến thăm chùa Bút Tháp- di tích quốc gia đặc biệt, chùa Dâu rất đẹp nằm trên địa phận huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và rất nhiều đền chùa nằm dọc theo con đê bao quanh sông Đuống. Con sông đi vào những câu thơ bất hủ của “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng- Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong- Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…” đã trở thành địa danh trong thao thức của những tâm hồn muốn tìm về.

Sông Đuống cũng là nơi làm cảm hứng sáng tác cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều hơn 20 năm trước –  truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông đã được ĐD Khải Hưng chuyển thể thành phim Lời nguyền của dòng sông, những phận đời buồn mãi mãi ở lại trong những tác phẩm nghệ thuật, và cũng mãi mãi ở lại trong lòng người.

Hoa cải bên sông đuốngHoa cải bên sông đuống
Chùa Bút ThápHoa cải bên sông đuống
Mùa hoa cải bên sông

Tôi về đứng bên bờ sông Đuống, gặp người mẹ Kinh Bắc với gánh hàng rau ở chùa Bút Tháp, bỗng nhớ “Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong- Bước cao thấp trên bờ tre hun hút-Có con cò trắng bay vùn vụt – Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?…”

Nguồn Phụ nữ TPHCM