Cúm gia cầm A/H5N1 có dấu hiệu bùng phát trở lại
Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi (Bộ Y tế) vừa đưa ra nhận định, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, sau 20 tháng không xuất hiện dịch cúm A/H5N1 thì đến nay dịch này đã quay trở lại nước ta. Nguy cơ dịch cúm xuất hiện trên diện rộng là rất lớn do tập quán chăn nuôi, giết mổ, sử dụng gia cầm, đặc biệt là sử dụng tiết canh của người dân. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi Bộ Y tế đã có những biện pháp tích cực và kịp thời phòng, chống bệnh tại các địa phương đã có dịch cúm A(H5N1) xuất hiện ở người.
Báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A(H5N1) và đã tử vong tại Kiên Giang và Sóc Trăng. Tính từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 121 trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại 40 tỉnh, thành phố; trong đó đã có 61 trường hợp tử vong tại 30 địa phương. Cũng theo Viện vệ sinh dịch tễ, chủng độc lực cúm A(H5N1) rất cao, do vậy số người mắc và số vụ mắc tuy không gia tăng nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.
Từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm đã làm 2 người tử vong. Ảnh:nghean24h.vn |
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay đã có ba địa phương là: Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và có nguy cơ bùng phát ở nơi khác. Ðiều đáng lo ngại là đang có sự biến đổi nhánh của vi-rút cúm A (H5N1) trên gia cầm. Các cơ quan chuyên môn đã phát hiện sự phân nhánh vi-rút cúm A (H5N1) trên gia cầm thành hai nhóm. Nhóm a (nhóm cũ), vắc-xin chỉ đáp ứng 75% và nhóm b (loại chủng mới), vắc-xin hiện sử dụng không có tác dụng, nên nguy cơ lây lan trong gia cầm và sang người là rất lớn. Sự biến chủng vi-rút trong gia cầm mà chưa có vắc-xin là rất đáng lo, làm gia tăng nguy cơ ở người, cho dù các nghiên cứu cho thấy, chưa có sự biến chủng ở người và chưa có sự kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, nguy cơ có khả năng kết hợp giữa cúm đại dịch và cúm H5N1 trên người, nên cần phải giám sát chặt chẽ trên cả gia cầm và người.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để hoạt động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi; duy trì giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại các điểm giám sát cúm quốc gia và các bệnh viện; theo dõi phát hiện sự biến đổi của vi rút; giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao, các chùm ca bệnh để kịp thời điều trị giảm thiểu nguy cơ tử vong và xử lý kịp thời các ổ dịch cũng như sự lây lan. Đặc biệt, tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút để phát hiện chẩn đoán kịp thời cúm A(H5N1); tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1) trong cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình cúm A(H5N1) và sự biến đổi của vi rút cúm…
Để chủ động phòng chống cúm gia cầm trên người, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.