Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Khang bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành trồng trọt

       Ngày 10/2, tại trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công”.


Tân Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang và các thành viên Hội đồng.

Tại buổi bảo vệ, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Khang đã trình bày tóm tắt Luận án “Nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công”, do PGS.TS Phạm Văn Hiền và PGS.TS Nguyễn Văn Sánh hướng dẫn khoa học. Chủ tịch Hội đồng bảo vệ là GS.TS Võ Tòng Xuân, các phản biện gồm có GS.TS Mai Văn Quyền, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng và PGS.TS Mai Thành Phụng. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Khang đã đề xuất: Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; các cơ quan quản lý khoa học cần nghiên cứu đầy đủ sự thay đổi, tác động về sinh thái sau ngọt hóa, để có những khuyến cáo, định hướng phát triển phù hợp.

Theo nhận xét đánh giá của các thành viên Hội đồng, luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Khang đã lý giải được những mô hình sản xuất bền vững ở khu vực ngọt hóa Gò Công, từ đó giúp cho nông dân có được những mô hình sản xuất tốt (2 lúa 1 màu, 2 màu 1 lúa, lúa - cá, vụ tôm chuyên, xác định được các loại giống đậu xanh, đậu nành thích hợp,…), đạt hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường; đánh giá được những thay đổi lớn trong sản xuất và đời sống người dân trước và sau ngọt hóa, (thu nhập tăng 4,5 lần so với trước đó); định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo những mục tiêu khác nhau. Những kết quả nghiên cứu này không trùng lắp với các công trình trong và ngoài nước, có thể áp dụng không chỉ ở vùng ngọt hóa Gò Công mà còn ở các vùng sinh thái tương tự trong cả nước. Phương pháp nghiên cứu chính quy, phù hợp.

 
GS.TS Võ Tòng Xuân và bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng tân Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đặt ra một số vấn đề: Nếu có nguồn kinh phí thì với cương vị hiện nay, nghiên cứu sinh sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề gì để phát huy ngọt hóa Gò Công? Để áp dụng kết quả nghiên cứu, nghiên cứu sinh cần có những giải pháp gì? Năm 2012, vùng ngọt hóa Gò Công sẽ áp dụng cơ cấu sản xuất này như thế nào?… Những vấn đề này đã được nghiên cứu sinh giải đáp thỏa đáng.

Kết quả, Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ gồm 7/7 thành viên đã bỏ phiếu tán thành và đề nghị cấp bằng Tiến sĩ cho ông Nguyễn Văn Khang.