Một nông dân đầu tiên của Tiền Giang sử dụng năng lượng mặt trời để tưới cây thanh long
Người nông dân đó là ông Võ Ngọc Diệp (Sáu Diệp), ấp Lương Phú C, xã Lương Hoà Lạc (Chợ Gạo), một nông dân trồng thanh long có tầm cỡ ở vùng này với nhiều cách làm mới đạt hiệu quả cao về năng suất và cả chất lượng sản phẩm; vụ này, vườn của ông được trang bị hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời.
Mỗi sáng, nắng lên ông sáu Diệp cho khởi động hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời. |
Đến vườn thanh long trên 1 ha của ông Sáu Diệp đang lúc cây bắt đầu ra hoa đều, hàng lối các trụ thanh long ngay thẳng, dưới gốc cỏ được làm sạch bóng… cho thấy sự miệt mài của ông đối với vườn thanh long trên 7 năm tuổi đang thời kỳ cho năng suất rất cao. Vả lại, ông là người nông dân luôn nhạy bén với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và thường xuyên cập nhật thị trường thanh long trong và ngoài nước, việc ông quyết định xử lý cho xông đèn để cây ra hoa trái vụ nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Kỹ thuật trồng thanh long của ông Sáu Diệp luôn được nông dân trong vùng xem là quy trình kiểu mẫu, đảm bảo tính khoa học để đạt hiệu quả cao. Cụ thể với vườn thanh long của ông đang sản xuất, đất được lên líp, mỗi líp trồng 3 hàng, sử dụng trụ bê tông đảm bảo độ cao đúng 1,2m (từ mặt đất lên), khoảng cách giữa các trụ là 3m, mỗi gốc thanh long đều được đấp mô cao, sử dụng chủ yếu phân hữu cơ đảm bảo cây sử dụng lâu, bền và đặc biệt là trái thanh long chất lượng tốt phục vụ cho xuất khẩu. Thông thường mỗi gốc thanh long khi phát triển từ đủ 60 bẹ trở lên, ông tiến hành cho xông đèn, thời gian khoảng 15 đêm, sau đó chừng 4-5 ngày thanh long bắt đầu ra hoa, khoảng hơn hai tháng sau sẽ cho thu hoạch trái. Trong suốt quá trình phát triển của cây thanh long từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, ông thuộc nằm lòng từng giai đoạn phát triển của cây, biết cây thiếu chất dinh dưỡng gì, kể cả lượng nước tưới sao cho đủ độ ẩm của từng gốc thanh long trong vườn. Vì vậy, vườn thanh long của ông Sáu Diệp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện sản xuất thanh long an toàn. Ông Sáu Diệp cho biết, năng suất hàng năm đạt trên 30 tấn, bán với giá dao động từ 10.000đ - 15.000đ/kg, mang lại thu nhập đáng kể.
Thật vậy, chúng tôi đến thẳng vườn thanh long của ông, tiếp chúng tôi tại chòi để trông giữ thanh long (nói “chòi” chứ thật ra đó là nhà một trệt, một lầu, đầy đủ tiện nghi), mới ngồi nhâm nhi chưa hết tách trà, ông mở tủ ra bật nắp 4 lon Heineken ướp lạnh cùng nhiều đồ nhắm hấp dẫn có sẵn. Tôi thầm nghĩ, cuộc sống của người nông dân ngày nay thật sung túc, họ luôn biết cách làm giàu trên chính mảnh đất của mình và biết chú trọng đến đời sống vật chất và tinh thần sau một ngày lao động cật lực.
Với cách trồng thanh long của ông Sáu Diệp đạt hiệu quả như vậy, trong những năm qua, nhiều nông trong, ngoài tỉnh đến đây tham quan ghi nhận những kinh nghiệm trồng thanh long. Và dịp may đến với ông, trong những đoàn khách ấy có một chuyên gia của Công ty Mono Energy (Úc) đến tham quan, thấy được cách trồng cây ăn trái của ông Sáu Diệp, ngay sau đó Công ty đã quyết định giới thiệu Dự án hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời trên vườn cây thanh long của ông và triển khai lắp đặt hệ thống này. Hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời bao gồm một máy bơm gắn trên phao nổi thả trực tiếp xuống mương, bên trên gắn một hệ thống pin tích hợp năng lượng mặt trời (với 1 tấm panel thu năng lượng mặt trời) để vận hành máy bơm là một moteur có công suất 375W (khoảng 1 CV) cùng với hệ thống đường ống dẫn nước dài 1.620m dẫn đến 1.100 gốc thanh long, tại mỗi gốc có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển (theo tính toán của chuyên gia Công ty, ở vùng đất này mỗi van cho cung cấp lượng nước khoảng 1,5 lít/giờ/gốc là thích hợp), tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng do Công ty tài trợ.
Thực tế cho thấy, qua việc sử dụng hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời, vụ thanh long này, vườn của ông Sáu Diệp đang phát triển tốt, hiện tại 1.100 gốc thanh long bắt đầu ra hoa - và điều quan trong nhất đây là hệ thống năng lượng sạch, không ô nhiễm môi trường, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Với hệ thống này, hàng năm vườn thanh long của ông Sáu Diệp sẽ bớt thêm chi phí rất nhiều do phải dùng điện và nhân công tưới tiêu hơn 1 ha thanh long trong mùa nắng. Được biết ở Sri Lanka, trên 10.000 hộ nông dân đã triển khai và thực hiện thành công Dự án trên.
Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông Sáu Diệp khẳng định với chúng tôi, qua việc tưới nhỏ giọt và thanh long ra hoa như thế này, chắc chắn năng suất vụ này sẽ vượt trội so với trước và tiết kiệm được chi phí. Là nông dân đầu tiên của tỉnh sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để tưới tiêu vườn cây ăn trái, một hướng phát triển sản xuất mới đã và đang được nhiều người quan tâm tìm đến tham quan, đặc biệt vừa qua có nhiều đoàn khách quốc tế đến đây tham quan như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.