Người bệnh BHYT không phải đóng thêm tiền
Ngày 14.2, đại diện BHXH VN đã chính thức thông báo việc điều chỉnh giá 400 dịch vụ y tế. Và khẳng định, khi thực hiện thu theo giá viện phí mới, các bệnh viện (BV) sẽ không được thu thêm bất kỳ khoản nào dưới bất kỳ hình thức nào của bệnh nhân.
Với những lý lẽ này thì người bệnh, nhất là những người nghèo bệnh nặng có thể yên tâm cầm tấm thẻ BHYT để đi KCB mà không cần phải lo lắng đến khoản tiền chi trả thêm các chi phí KCB.
Phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang (ảnh chụp sáng 14.2). Ảnh: Thanh Hiệp |
Bệnh nhân sẽ không phải trả thêm tiền
Sau một thời gian dài im ắng, thông tin tăng giá viện phí một lần nữa lại khiến dư luận xôn xao. Khác với lần trước, việc điều chỉnh giá viện phí lần này đã có sự “nhất trí cao” của liên bộ Y tế, Tài chính, LĐTBXH và BHXH VN. Bởi lẽ ban soạn thảo đã tính viện phí trên cơ sở chi phí của BV từ tuyến xã, huyện, tỉnh, đến T.Ư chứ không dựa vào đề xuất giá của các BV đa khoa đầu ngành T.Ư như đề xuất trước. Bộ Y tế cho rằng, với mức tăng viện phí như đề xuất, dịch vụ sẽ tốt hơn và tương xứng hơn với chi phí.
Cụ thể: Khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa (BV hạng 1) từ 3.000 đồng lên 20.000 đồng; đỡ đẻ thường từ 50.000 - 150.000 đồng lên 480.000 - 525.000 đồng; đẻ khó ngôi ngược 70.000 - 180.000 đồng lên 550.000 - 580.000 đồng; chạy thận nhân tạo 150.000 - 300.000 đồng lên 430.000 - 460.000 đồng; lấy dị vật trong tai từ 10.000 - 20.000 đồng lên 55.000 - 155.000 đồng; chích rạch nhọt, áp xe dẫn lưu từ 5.000 - 15.000 đồng lên 90.000 - 105.000 đồng; giường hồi sức cấp cứu đặc biệt có giá 300.000 đồng, các mức tiền giường khác, mức cao nhất là 150.000 đồng…
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) - cho biết: “Cơ chế mới về viện phí đảm bảo tính đúng, tính đủ giá viện phí, giá dịch vụ y tế tại cơ sở KCB; đồng thời đảm bảo quyền lợi người bệnh, bệnh nhân không phải bỏ tiền túi ra để trả. Mọi thanh toán đều do quỹ BHYT chi trả, người dân chỉ phải trả phần đồng chi trả từ 5 đến 20% theo quy định”.
Cũng theo ông Sơn, một số dịch vụ kỹ thuật vẫn được xây dựng khung giá từ mức tối thiểu lên mức tối đa. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa đã được thu hẹp đáng kể chỉ trong khoảng từ 5 - 10%; mức chênh lệch cao nhất là 90.000 đồng và thấp nhất là 3.000 đồng nên đã tạo sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành. Mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lợi, tránh phiền hà, khó khăn cho người bệnh.
Với những lý lẽ này thì người bệnh, nhất là những người nghèo bệnh nặng có thể yên tâm cầm tấm thẻ BHYT để đi KCB mà không cần phải lo lắng đến khoản chi thêm các chi phí KCB.
BV thu thêm sẽ bị xử phạt
Mặc dù khung giá viện phí điều chỉnh lần này có vẻ “mềm” hơn, song số dịch vụ y tế tăng giá lên đến 400 dịch vụ chứ không phải 350 dịch vụ như đề xuất ban đầu. Ông Sơn cho biết: “Với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của Quỹ BHYT mỗi năm thêm 6.000 - 8.000 tỉ đồng. Mặc dù 2 năm qua, quỹ này kết dư gần 6.000 tỉ đồng nhưng nếu không điều chỉnh để cân đối lại thì quỹ lại rơi vào tình trạng âm hàng nghìn tỉ đồng, thậm chí vỡ quỹ và không thể đảm đương được việc chi trả. Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ tăng mức đóng BHYT từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng”.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng lo ngại việc lạm dụng quỹ BHYT khi tăng giá viện phí, nhất là các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, kê sai số lượng, đơn giá thuốc, lạm dụng khám cận lâm sàng, bệnh nhân phải nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/định suất giường bệnh… Trong năm qua, Quỹ BHYT đã xuất toán hàng chục tỉ đồng liên quan đến kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Để hạn chế tình trạng này, trong khung giá viện phí mới đã quy định chi tiết, cụ thể từng giá các dịch vụ chứ không chỉ nói chung chung như trước đây. Chẳng hạn, chẩn đoán hình ảnh hiện có giá 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng, nhưng nay quy định rõ kỹ thuật nào có dùng thuốc cản quang đề xuất thu 800.000 đồng; không dùng thuốc cản quang có giá khoảng 500.000 đồng…
“Chúng tôi sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất tại 15 tỉnh, thành sau khi thí điểm thực hiện tại TPHCM. Giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10 - 20% số hồ sơ các khoa của BV để giám định. Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc BV thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan bảo hiểm sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế. Đồng thời, rút giám định viên là bác sĩ mà thành lập tổ giám định chuyên sâu về BHYT” - ông Sơn nói.
Về chủ trương tăng viện phí, người dân cũng tỏ ra khá đồng tình ủng hộ, song lại vẫn hoài nghi liệu chất lượng KCB có được cải thiện sau khi tăng viện phí? Và Bộ Y tế liệu có kiểm soát được việc các BV thực hiện đúng hay lại tiếp tục lách luật để vượt trần? Bởi lẽ, trước khi Chính phủ chính thức cho tăng viện phí đã có nhiều BV bằng cách này hay cách khác đội giá dịch vụ mà chất lượng KCB không khá hơn là mấy. Cuối cùng, người dân - nhất là những người nghèo và người chưa có thẻ BHYT - vẫn phải oằn vai gánh đủ các loại chi phí mà không biết kêu ai.
Chính phủ đồng ý điều chỉnh giá khoảng 400 dịch vụ y tế từ tháng 5.2012 Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế mà liên bộ Y tế - Tài chính - LĐTBXH và BHXH VN soạn thảo và thống nhất. Theo đó, sẽ có khoảng 400 dịch vụ y tế trong tổng số gần 3.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời cần tính toán, bàn kỹ với Bộ Tài chính để đảm bảo cân đối Quỹ BHYT. Đối với những đối tượng nghèo, diện gia đình chính sách… vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám - chữa bệnh BHYT để kiểm tra, kiểm soát tránh lợi dụng, lạm dụng Quỹ BHYT. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn cần nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để giúp các đối tượng này bớt khó khăn. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.