Lễ hội gò Đống Đa

 

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung – người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

1

Cửa đình làng Khương Thượng từ tinh mơ đã mở rộng, khói hương lan toả. Trước đình treo một lá cờ lớn chào mừng ngày hội của cả làng.

Hơn 200 năm trước (1789), nơi đây là một chiến trường đẫm máu. Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta kể từ đó, đồng thời còn là một chứng tích về sự thất bại nhục nhã của kẻ thù phương Bắc xâm lược.

Vào buổi sáng ngày hội, các vị chức sắc và bô lão trong làng đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Đến gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, người ta tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Đám rước dài, rực rỡ sắc màu trông rất đẹp mắt, diễu hành chậm rãi, trật tự để cho dân chúng có thể chiêm ngưỡng tỉ mỉ bức tượng hoành tráng của lễ hội.

Nhưng hấp dẫn và trẻ trung hơn cả là tốp đi sau cùng với “Con Rồng lửa”. Thanh niên hai làng Đồng Quang và Khương Thượng đua nhau bện rơm thành hình những con rồng lớn và trang trí bằng mo cau và giấy bồi. Một tốp thanh niên mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước Rồng lửa và biểu diễn côn quyền nhằm tái hiện lại hình cảnh của chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn. Đây là một trò diễn độc đáo của lễ hội gò Đống Đa.

Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Do đó, hàng năm, các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Quốc kỳ và cờ của ngày hội thi nhau bay phấp phới như chào đón du khách muôn phương. Nằm đối diện vời gò là chùa Đồng Quang cũng toả hương khói nghi ngút, tấp nập kẻ vào ra. Tai chùa, các sư làm cháo cúng lên các cô hồn của quân giặc như một hành động nhân nghĩa truyền thống của đạo đức nhân dân ta. Còn trước tượng vua Quang Trung, nhân dân cũng tới dâng hoa và tưởng niệm rất đông.

1

Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà. Quê hương Của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ là ở quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ở đây, nhân dân cũng xây nhà thờ ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Hàng năm, cũng vào ngày 5 tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống… rất đặc sắc. Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan.

Ngày nay, đi dự hội Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Nguồn Thamhiemvietnam.com