Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công

 

Bia kỷ niệm lá cờ Đảng xuất hiện vào năm 1931 tại thị trấn Cai Lậy.
Bia kỷ niệm lá cờ Đảng xuất hiện vào năm 1931 tại thị trấn Cai Lậy.

Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Mỹ Tho và Gò Công ra đời là một sự kiện chính trị trọng đại, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Mỹ Tho – Gò Công, lãnh đạo nhân dân địa phương lập nên nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, cũng như trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

TÌNH HÌNH MỸ THO – GÒ CÔNG TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ

Năm 1861, thực dân Pháp nổ súng xâm lược tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Sau một thời gian ổn định và áp đặt bộ máy thống trị, chúng tiến hành thực hiện các chính sách khai thác thuộc địa.

Để bóc lột và điều quân trấn áp, Pháp xây dựng các công trình giao thông: Năm 1884 xây dựng tuyến đường sắt Mỹ Tho – Sài Gòn, năm 1902 xây dựng phà Rạch Miễu..

Một số nhà máy, xí nghiệp của tư bản Pháp ra đời: Nhà máy xay xát lúa gạo, nhà máy đèn, hãng Xáng, hãng dầu dừa, xưởng sửa chữa ô tô, sở Trường Tiền, sở thùng; các xí nghiệp gỗ, gạch ngói, dệt vải…

Đầu tư của tư bản Pháp làm cho một số ngành công nghiệp ở Mỹ Tho – Gò Công phát triển, nhưng chủ yếu là công nghiệp nhẹ và sửa chữa; nói chung là quy mô còn nhỏ. Hãng Xáng Mỹ Tho xây dựng năm 1902, là nơi tập trung nhiều công nhân, cũng chỉ vài trăm người.

Nhìn chung, xã hội Mỹ Tho – Gò Công tồn tại 2 mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ. Với chính sách đè nén về chính trị, bóc lột về kinh tế, nô dịch về văn hóa của thực dân Pháp làm cho 2 mâu thuẫn càng thêm gay gắt.

Kẻ thù chính của nhân dân là đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ. Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và trí thức tiến bộ, trong đó động lực của cách mạng là công nhân và nông dân.

Năm 1926, hội viên Nam kỳ liên lạc với một số người ở Mỹ Tho – Gò Công và tuyển chọn, giới thiệu sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Đầu năm 1927, một số thanh niên yêu nước ở Mỹ Tho – Gò Công được gởi đi học. Sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), học viên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và phân công về địa phương xây dựng, phát triển phong trào cách mạng.

Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Trần Ngọc Giải làm Bí thư. Tỉnh bộ đóng tại thị xã Mỹ Tho, phân công hội viên xây dựng cơ sở cách mạng ở thị xã Mỹ Tho, xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành), xã Lộc Thuận (quận An Hóa).

Tháng 11-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Gò Công thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Tỉnh bộ đóng tại xã Vĩnh Hựu, sau dời đến tỉnh lỵ Gò Công.

ĐẢNG BỘ RA ĐỜI

Năm 1928, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Ba về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Nhiều đồng chí được phân công vào nhà máy, hãng xưởng và thâm nhập vào nông thôn. Một mặt, qua phong trào, chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá rộng rãi trong quần chúng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Mỹ Tho – Gò Công, phong trào yêu nước những năm 1927 – 1929 ở Mỹ Tho – Gò Công có bước phát triển. Các cuộc đấu tranh đều có tổ chức, lãnh đạo và lan rộng từ thành thị đến nông thôn.

Ngày 7-8-1929, các hội viên tiên tiến trong Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam kỳ triệu tập hội nghị, gồm đại biểu được chọn lọc và chỉ định ở các tỉnh để bàn việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu đều trở thành đảng viên và có nhiệm vụ chọn lựa trong Việt Nam Cách mạng thanh niên những người nòng cốt kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

Giữa tháng 8-1929, Ban Chấp hành An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Ngọc Ba làm Bí thư, cơ quan Tỉnh ủy đóng tại thị xã Mỹ Tho. Ngày 16-8-1929, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đến Gò Công kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Côn vào An Nam Cộng sản Đảng cùng với các đồng chí khác và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Gò Công tại xã Vĩnh Hựu, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Sau đó các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng lần lượt ra đời.

Ngoài hệ thống tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, ở Mỹ Tho còn có tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu tháng 12-1929, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng đến xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành) xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Mỹ Tho tại xã Vĩnh Kim, rồi phát triển ra nhiều xã ở quận Châu Thành.

Trước tình hình cơ sở Đảng phát triển mạnh, Ban Tổng ủy Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập để có thống nhất lãnh đạo. Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Hội nghị họp từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 và quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương).

Sau cuộc hội nghị thành lập Đảng, 2 đại biểu là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu ở Nam kỳ trở về Sài Gòn liên lạc với Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và đồng chí Ngô Gia Tự thành lập “Ban lâm thời cấp ủy” Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ, có 4 đồng chí, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư.

Ban lâm thời cấp ủy phân công cán bộ về Mỹ Tho – Gò Công tiến hành thống nhất các cơ sở Đảng. Tháng 2 đến tháng 4-1930, các chi bộ Đảng Cộng sản ở Mỹ Tho – Gò Công được thống nhất và xây dựng thêm như:

Ở thị xã Mỹ Tho có Chi bộ Xóm Dầu (phường 3), Chi bộ Collège de Mytho, Chi bộ Hãng Xáng; ở quận Châu Thành có Chi bộ Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Long Hưng…; ở quận Chợ Gạo có Chi bộ Chợ Ông Văn; ở quận Cai Lậy có Chi bộ Chợ Cai Lậy, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Đông, Thanh Hòa, Nhị Quí.

Vào nửa tháng 4-1930, Ban lâm thời cấp ủy Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Thiệu về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Cuối tháng 4-1930, Đảng bộ lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư. Tháng 6-1930, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho trở thành chính thức với tên gọi là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.