Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để bị động với kỳ thi THPT quốc gia
Chiều ngày 9-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp
Báo cáo với Thủ tướng những công việc đã tiến hành nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuyển ĐH- CĐ; 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi đều theo quy tình giống nhau.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tinh thần của quy chế thi, quy chế tuyển sinh là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, ngành giáo dục nhận khó khăn về phần mình. Việc xét tuyển ĐH-CĐ tôn trọng quyền được đi học, quyền được tuyển sinh của các học sinh cũng như quyền tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ. Đáng chú ý, đến nay đã có 125 trường ĐH- CĐ được Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh.
Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh Mai Hải
Việc thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường ĐH- CĐ giúp các em có nhiều cơ hội hơn, và chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình. “Các phương án tuyển sinh của các trường ĐH- CĐ đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật công bố công khai trên mạng”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Đánh giá cao quá trình của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng và ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH- CĐ hệ chính quy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản, tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội. Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực để làm căn cứ để xét tuyển ĐH-CĐ cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ thì chúng ta cũng không được bỏ sót. Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH- CĐ trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương làm đề án tuyên truyền nội dung cho nhân dân và toàn xã hội hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý. Lãnh đạo các trường ĐH tham gia tổ chức các cụm thi phải quán triệt tinh thần, trách nhiệm với con em mình, với nền giáo dục nước nhà. Công tác ăn ở, đi lại, sinh hoạt cho các giáo viên tham gia trông thi, chấm thi phải được đảm bảo tối đa.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.