Đẩy nhanh thực hiện chương trình KHCN Tây Nam Bộ
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình khoa học công nghệ Tây Nam Bộ, trước hết là ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Ảnh minh họa |
Đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản; trên cơ sở đó đề xuất các đề tài khoa học, công nghệ mới nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, tạo tiền đề cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn gọi là Tây Nam bộ, một vùng rộng lớn và trù phú, với diện tích tự nhiên gần 40.000km2, trong đó có khoảng 65% diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; dân số trên 18 triệu người. ĐBSCL là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Tây Nam Tổ quốc, được xác định là 1 trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Vùng ĐBSCL dù chưa được khai thác đầy đủ nhưng đã đóng góp cho cả nước khoảng trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thủy sản.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Chương trình sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN. Chương trình sẽ triển khai các giải pháp về KHCN phục vụ phát triển Tây Nam Bộ bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng. Chương trình có tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Chương trình sẽ đi vào những lĩnh vực rất cụ thể nhằm giúp khu vực Tây Nam Bộ phát triển đồng bộ về mọi mặt, sẽ xem xét đánh giá lại những mô hình về dịch chuyển cơ cấu kinh tế; mô hình liên kết sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công, nông nghiệp; dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp; phát triển du lịch.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.