Cấp bách quy hoạch lễ hội

Nhằm xóa bỏ những tiêu cực, những hình ảnh phản cảm trong hoạt động lễ hội, từng bước đưa các lễ hội trở về đúng với bản sắc văn hóa truyền thống, từ đầu mùa lễ hội năm 2015, Bộ VH-TT-DL đã tăng cường kiểm tra quản lý công tác tổ chức lễ hội tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, quy hoạch và tổ chức quản lý lễ hội đã thực sự trở thành yêu cầu cấp bách.

Du khách viếng Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang.

Quản lý lễ hội: Như muối bỏ biển

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, hiện mỗi năm cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó 80% là lễ hội dân gian. Làm một phép tính đơn giản, trung bình mỗi ngày có đến trên dưới 20 lễ hội diễn ra trên cả nước. Điểm qua một vòng các lễ hội quy mô lớn, mang tầm quốc gia như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Gióng, lễ phát lương đền bà Chúa Kho và gần đây là lễ khai ấn đền Trần đến các lễ hội nhỏ mang tính địa phương thật tình mà nói, lễ hội nào cũng có không ít những hình ảnh phản cảm đến chướng tai gai mắt. Từ việc buôn thần bán thánh, chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, đánh nhau tóe máu để cướp lộc, rải tiền lẻ, đến chuyện đua nhau cọ tiền vào bất cứ thứ gì trong di tích để lấy may hay chuyện “quan họ quyên tiền”…

Những hình ảnh thiếu văn hóa, những vấn đề bất cập xảy ra tại các lễ hội không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm nay, giới truyền thông đã phản ánh rất nhiều. Năm nào cũng vậy, các nhà quản lý đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những vấn nạn này, nhưng xem ra những nỗ lực, cố gắng chỉ như… muối bỏ biển. Nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội đã bị che khuất bởi tình trạng bạo lực, những hình ảnh kém văn hóa diễn ra ngày càng nhiều.

Ngay từ đầu năm 2015, Ban Bí thư trung ương Đảng đã có chỉ thị số 41 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện số 229 yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường công tác quản lý và tổ chức mùa lễ hội 2015… Có thể khẳng định rằng, công tác tổ chức quản lý lễ hội đã được các cấp lãnh đạo, các ngành quan tâm đặc biệt và sâu sát nhưng vì sao thực tế mọi việc vẫn không mấy biến chuyển?

Cần một quy hoạch hợp lý

Đâu mới thực sự là căn nguyên của những biến tướng tiêu cực trong lễ hội thời gian qua? Nhiều người cho rằng đó là do sự yếu kém trong công tác quản lý lễ hội. Số khác lại đổ cho ý thức yếu kém của những người dân tham gia lễ hội. Ở một khía cạnh nào đó, có ý kiến cho rằng lý do chính là ở tần suất, quy mô của các lễ hội hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lễ hội là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Thời gian qua, hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi, đa dạng, phong phú trên khắp các địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh mặt tích cực nói trên, còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải được chấn chỉnh kịp thời để khắc phục, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho hoạt động lễ hội, phòng ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới cần giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội quy mô lớn và hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, ngày hội. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra với Bộ VH-TT-DL bởi tất cả lễ hội sẽ được quy hoạch tổng thể, cái nào không phù hợp thì sẽ loại bỏ. Đó là chưa kể, việc xem xét tiêu chí từng loại lễ hội, cái nào là phù hợp cần khôi phục nguyên bản, cần phát huy giá trị, cái nào cần loại bỏ… cũng là một câu chuyện dài, vốn dĩ gây khá nhiều tranh cãi. Đây cũng chính là lý do dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội đáng ra đã phải hoàn thiện từ cuối năm 2013 nhưng mãi đến nay, câu chuyện vẫn còn dang dở.

Theo nhà Nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam nhận xét: “Ở Việt Nam, hiệu ứng đám đông quá lớn vì vậy lễ hội đã trở thành nơi người ta tận dụng cơ hội để chụp giật, vụ lợi. Lễ hội ở Việt Nam hiện nay như một nồi lẩu thập cẩm, ai muốn bỏ gì vào cũng được mà không quan tâm đến hệ lụy đằng sau đó. Đâu đâu cũng có lễ hội, nhiều nơi còn phục dựng lại những lễ hội đã thất truyền. Có nhiều lễ hội thậm chí còn bị lên án kịch liệt, phản đối đòi xóa bỏ như lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh), nhưng đâu phải cứ nói bỏ là bỏ được ngay. Con gà tức nhau tiếng gáy, làng anh có lễ hội thì làng tôi cũng phải có lễ hội. Đơn cử như việc có tới ba địa phương cùng tổ chức lễ hội phát ấn đền Trần là Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa. Vậy thì ta sẽ giữ cái nào và bỏ cái nào?”.

Có lẽ, câu chuyện quy hoạch lễ hội còn phải được đặt lên bàn hội thảo, hội nghị cũng như lấy ý kiến của các cấp ngành, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu… nhiều lần mới đi đến hồi kết thuyết phục.

Nguồn SGGP