Cà phê và sức khỏe
Trong cùng một thời điểm, có thể chúng ta nhận được những thông tin khác nhau khi các chuyên gia phân tích lợi hại của cà phê, một loại chất đắng được nhiều người ưa chuộng. Điều này cũng bình thường. Người uống chỉ cần chú ý về liều lượng và sức khỏe bản thân.
Hỗ trợ giảm cân
Uống đúng lượng cà phê có thể giúp bạn giảm cân thừa. Uống cà phê đen sẽ không bổ sung quá nhiều calorie như trong trường hợp cà phê sữa (chứa 170 calorie). Cà phê còn giúp áp chế cơn thèm ăn một cách tự nhiên.
Cần biết thể trạng bản thân để chọn lượng cà phê thích hợp – Ảnh: Shutterstock |
Một cuộc nghiên cứu gần đây phát hiện cà phê xanh, làm từ hạt cà phê chưa rang, có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách hạn chế hàm lượng đường hấp thu qua ruột, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đốt cháy mỡ thừa của cơ thể.
Ảnh hưởng lên tim
Chỉ cần một tách cà phê có thể nâng nhịp tim lên mức 100 nhịp/phút (trung bình từ 60 đến 80) và có thể phải mất đến 1 giờ để trở lại bình thường. Caffeine có thể khiến động mạch co thắt, từ đó làm tăng huyết áp, theo giải thích của bác sĩ chuyên khoa tim Graham Jackson thuộc Quỹ tín thác Cơ quan Y tế quốc gia Anh Guy&St.Thomas. Đối với người khỏe mạnh, tình trạng này không gây ảnh hưởng mấy. Uống cà phê lượng vừa phải còn giúp ngăn chặn bệnh tim mạch, như báo cáo mới trong chuyên san Heart. Tuy nhiên, người bị suy tim có thể gặp nguy hiểm nếu uống cà phê, và họ được khuyên nên cai hẳn chất caffeine. Còn người mắc bệnh tim nên tránh uống cà phê pha sẵn vì hàm lượng kali cao trong thức uống này có thể gây rối loạn nhịp tim.
Lợi về cơ bắp
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Thể thao Úc phát hiện một tách cà phê có thể giúp vận động viên tập luyện lâu hơn gần 1/3 so với thời lượng hoạt động bình thường. Điều này do caffeine dường như kích hoạt cơ bắp khởi động quá trình đốt cháy mỡ chuyển thành năng lượng khi năng lượng từ nguồn carbohydrate bị vơi hết. Caffeine còn có thể hỗ trợ thông khí.
Vấn đề với ruột
Thông thường, tách cà phê đầu tiên trong ngày vừa trôi khỏi cổ họng có thể khiến bạn phải chạy vào nhà vệ sinh gấp. Đó là vì chất caffeine kích thích và tăng sự co thắt của ruột, giúp tống chất thải ra ngoài nhanh chóng hơn bình thường. Điều đó cũng có nghĩa là chất dinh dưỡng có ít thời gian hơn để hấp thụ vào cơ thể, coi chừng không đảm bảo chế độ ăn cân bằng về sức khỏe.
Caffeine cũng can thiệp vào sự hấp thụ chất sắt, nên tránh dùng cà phê khi ăn thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò. Cũng nên tránh uống cà phê khi bụng rỗng. Caffeine kích thích sự sản sinh dịch vị trong bao tử, dù lúc đó chẳng có thức ăn để tiêu hóa.
Giảm nguy cơ mắc Alzheimer
Uống cà phê vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng Alzheimer đến 20%, theo báo cáo của Viện Khoa học thông tin về cà phê. Có vẻ như caffeine giúp ngăn chặn sự hình thành các mảng bựa và protein có liên quan đến Alzheimer. Bên cạnh đó, chất caffeine và chất chống
ô xy hóa trong cà phê cũng giảm tình trạng viêm nhiễm ở não, trì hoãn tốc độ suy thoái của tế bào não, đặc biệt ở vùng não liên quan đến ký ức, theo tiến sĩ Arfan Ikram, trợ lý giáo sư của Trung tâm y khoa Erasmus Medical tại Rotterdam (Hà Lan).
Có thể hao hụt xương
Uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, do nó có thể đẩy nhanh tốc độ xương hao hụt. Caffeine khiến nguyên bào xương, tế bào tham gia hình thành xương mới, hoạt động kém hiệu quả hơn, và thậm chí còn triệt tiêu chúng, theo báo cáo đăng trên chuyên san Orthopaedic Surgery and Research. “Caffeine còn ảnh hưởng đến sự hấp thu can xi từ ruột và đẩy nhanh tốc độ bài trừ can xi, nên có thể dẫn đến loãng xương”, theo y tá Julia Thomson của Tổ chức Loãng xương quốc gia Anh.
Có ích cho da
Trong khi cà phê gây hiệu ứng khử nước đối với cơ thể, nó không làm khô da như bạn vẫn tưởng, theo tiến sĩ Nick Lowe, chuyên gia da liễu hàng đầu ở London, Anh. Và cà phê có thể làm giảm nguy cơ ung thư da, nhờ vào các chất chống ô xy hóa.
Bệnh thận nên tránh
Cà phê thì lợi tiểu – nó kích thích thận thải thêm nhiều dịch, khiến người dùng đi vệ sinh thường xuyên hơn. Điều này do caffeine can thiệp vào cách thức chất lỏng tái hấp thu vào máu, theo Giáo sư Chris Eden của Bệnh viện hạt Surrey Hoàng gia. Tất nhiên, trong điều kiện thận khỏe thì không có vấn đề gì, nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy uống cà phê về dài hạn có thể khiến bệnh thận nặng thêm. Caffeine cũng là chất kích thích bàng quang, nên có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng bàng quang tăng hoạt động.
Giảm nguy cơ tiểu đường
Nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ phát bệnh tiểu đường dạng 2. Một báo cáo gần đây tại Mỹ với 123.000 người tham gia cho thấy người uống từ 3 – 5 tách cà phê mỗi ngày có thể tận hưởng hiệu quả tích cực từ cà phê trong nỗ lực chống chọi căn bệnh nguy hiểm này.
Nguồn Sài Gòn ẩm thực
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.