Nước – Cốt lõi của phát triển bền vững
Nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành tài nguyên quý giá không khác dầu mỏ của thế kỷ 20
Những ngày này, miền Trung đang oằn mình vì hạn hán. Tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 15-20% dung tích thiết kế. Hàng ngàn héc ta hoa màu có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dọc dải đất miền Trung.
Rõ ràng, nước đang ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng bền vững với từng quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy mà chủ đề của Ngày Nước sạch thế giới năm nay được chọn là “Nước và Phát triển bền vững” như một lời nhắc nhở các quốc gia đừng bỏ qua các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước trong các kịch bản tăng trưởng.
Việt Nam không giàu về tài nguyên nước dù được thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sông suối khá dày đặc cung cấp nước chủ yếu cho dân sinh và các hoạt động phát triển kinh tế. Tuy vậy, trên 60% tài nguyên nước của Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nước từ các quốc gia láng giềng.
Nguồn nước không dồi dào đó lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt do chính những hoạt động của con người. Chỉ vài chục năm trước, sông Tô Lịch, Kim Ngưu ở Hà Nội hay sông Thị Nghè ở thành phố Hồ Chí Minh còn là những sông nhỏ trong thành phố thì giờ đây đã trở thành những chiếc cống đen ngòm, hôi hám…Những con sông lớn hơn như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đồng Nai…cũng được dự báo có nguy cơ trở thành những dòng sông chết, đe dọa cuộc sống của hàng triệu dân sống trong lưu vực sông. Chính sự khai thác quá mức của con người đang là nguyên nhân khiến nguồn nước khô cạn.
Theo số liệu của Mạng lưới cộng tác vì nước Việt Nam, 5/16 lưu vực sông ở nước ta đã khai thác vượt ngưỡng an toàn môi sinh, trong đó sông Mã và hệ thống sông ngòi khu vực Đông Nam bộ đã ở tình trạng vượt xa ngưỡng giới hạn. Nếu đà khai thác quá mức này không được cải thiện thì nguy cơ về những dòng sông khô cạn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thiếu nước, sử dụng nguồn nước ô nhiễm đã tác động trở lại đến mọi mặt đời sống của con người. Đã có những thống kê về số lượng các “ngôi làng ung thư” có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm trầm trọng.
Không phải bây giờ các chuyên gia mới lên tiếng về nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và tác động của nó tới an ninh lương thực của cư dân trong vùng.
Tây Nguyên cũng vậy. Mấy năm vừa qua, nhiều con sông ở Nam bộ và Tây Nguyên phải oằn mình trước trào lưu xây dựng các đập thủy điện trên sông. Chỉ trong vòng hơn chục năm, Việt Nam đã phát triển tới 85% tiềm năng thủy điện.Trong một thời gian dài, chúng ta đã buông lỏng quản lý và thiếu một tầm nhìn chiến lược về khai thác thủy điện ở các lưu vực sông. Chỉ tính riêng 4 tỉnh là Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Kon Tum và Đắc Nông đã có tới gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ. Cũng chính đây lại là khu vực xảy ra nhiều sự cố liên quan tới thủy điện nhiều nhất: từ vụ nứt thân đập thủy điện sông Tranh 2, vỡ đập Đắc Méc, thậm chí đập thủy điện Ya Krein 2 bị vỡ tới 2 lần…
Đến thời điểm này, chưa ai thống kê được nguồn lợi mà thủy điện vừa và nhỏ mang lại cho miền Trung khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng hậu quả là thấy rõ: nhiều cánh rừng đầu nguồn ở miền Trung bị chặt phá khiến gần như năm nào lũ lụt cũng ào ạt đổ về. Chưa có nghiên cứu kỹ càng mang tính định lượng về tác động của thủy điện đến đâu tới dân sinh và môi trường nhưng thiên tai liên tiếp ở miền Trung mấy năm nay đã dấy lên những nghi ngại về “tội đồ” thủy điện.
Tình trạng suy giảm và cạn kiệt nguồn nước do sử dụng không hiệu quả, khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường không kiểm soát đang là thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Trước sức ép về dân số và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành tài nguyên quý giá không khác dầu mỏ của thế kỷ 20 và là chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến môi trường.
Việc khai thác cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngày hôm nay sẽ là gánh nặng cho con cháu chúng ta mai sau. Khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quý giá đó, vì thế không thể đặt bên ngoài các kịch bản tăng trưởng mang tính bền vững của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam./.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.