Đẩy mạnh phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2015, Hiệp hội tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển du lịch.

 

Lễ hội truyền thống vùng Đồng bằng sông Cửu Long
thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan
(Nguồn: Báo Cà Mau)

Đồng thời, nâng cấp website của Hiệp hội, củng cố và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc thù; hình thành tour du lịch mẫu cho các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.… Được biết, năm 2014, ngành du lịch khu vực này đón trên 22,4 triệu lượt khách, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt trên 1,83 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch vùng ước đạt 6.360 tỉ đồng, tăng 23,7% so với năm 2013.

Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tích cực thúc đẩy phát triển ngành du lịch khu vực này với những hoạt động như khảo sát và bình chọn 16 điểm là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó có 7 điểm mới là Quảng trường Hùng Vương, Khu nhà Công tử, Khu du lịch Nhà Mát (thuộc tỉnh Bạc Liêu); Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thuộc tỉnh Đồng Tháp); Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Chợ nổi Cái Răng (thuộc thành phố Cần Thơ); phối hợp tổ chức tổng kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu…

Được biết, năm 2014, An Giang là tỉnh thu hút du khách đến tham quan nhiều nhất với 6 triệu lượt khách, Kiên Giang là tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất với 1.533 tỉ đồng. Với những chương trình liên kết phát triển du lịch vùng, nhất là khi đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nhằm định hướng rõ những nét đặc thù du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mong rằng du lịch của vùng đất này sẽ tạo được điểm nhấn riêng và ngày càng thu hút du khách./..

Nguồn ĐCSVN