Chuyển động mới trên bán đảo Triều Tiên
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 29/2 cho biết: CHDCND Triều Tiên vừa thông báo đồng ý tạm dừng các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon, đồng thời cho phép Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát việc tạm dừng làm giàu uranium trong thời gian diễn ra các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Washington. CHDCND Triều Tiên tuyên bố đồng ý tạm dừng các hoạt động hạt nhân
(Ảnh: Ria Novosti)
Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Để cải thiện môi trường đối thoại cũng như tỏ rõ thiện chí giải trừ hạt nhân, CHDCND Triều Tiên vừa chấp thuận tạm dừng các vụ phóng tên lửa tầm xa; các vụ thử hạt nhân và các hoạt động hạt nhân, gồm cả các hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon…Bên cạnh đó, CHDCND Triều Tiên cũng đồng ý cho phép các thanh sát viên của IAEA tới giám sát và kiểm chứng việc dừng các hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon và xác minh việc dỡ bỏ một lò phản ứng công suất 5 MW và các tổ hợp phụ trợ”.
Tuyên bố của CHDCND Triều Tiên được đưa ra trong không lâu sau khi Đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye Gwan ngày 23/2 đã tiến hành hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời hồi tháng 12/2011. Cuộc hội đàm được cho là nhằm thảo luận về các vấn đề giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và cứu trợ nhân đạo. Được biết, tại cuộc đối thoại này, Washington cũng đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp nối lại đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga và Mỹ) về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn chính thức của CHDCND Triều Tiên KCNA ngày 29/2 đã xác nhận nội dung trên và cho biết thêm “phía CHDCND Triều Tiên đã chấp thuận ngừng các hoạt động hạt nhân theo như yêu cầu của phía Mỹ và tiến trình này sẽ được thực hiện song song với các vòng đối thoại mang tính xây dựng diễn ra giữa Washington và Bình Nhưỡng”.
Theo lập luận của bà Nuland thì hiện Mỹ vẫn lưu tâm đặc biệt tới quan điểm của CHDCND Triều Tiên trong nhiều vấn đề, tuy nhiên, tuyên bố mới đây của Bình Nhưỡng cũng đã phần nào, phản ánh tầm quan trọng của những tiến bộ (dù còn hạn chế) trong nỗ lực giải quyết các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm. Bên cạnh đó, bà Nuland còn cho biết thêm, Tổng thống Barack Obama đã hoan nghênh quyết định của CHDCND Triều Tiên và chính quyền Washington sẽ cử đại diện thảo luận với các quan chức của CHDCND Triều Tiên về việc hoàn tất những thủ tục hành chính cần thiết để thúc đẩy kế hoạch chuyển 240.000 tấn lương thực viện trợ cho Triều Tiên.
Trong phản ứng đầu tiên trước tuyên bố bất ngờ của CHDCND Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, đây là “một bước đi đầu tiên, đúng hướng của chính quyền Bình Nhưỡng”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này tuyên bố, Washington tiếp tục theo sát những động thái của Bình Nhưỡng và sẽ đưa ra phán xét dựa trên những hành động cụ thể của các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nga Interfax cũng dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, Moscow hoan nghênh các nỗ lực của Mỹ và CHDCND Triều Tiên nhằm hiện thực hóa các vòng đối thoại và xoa dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Tại Moscow, ông Konstantin Kosachyov, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga cũng bày tỏ quan điểm rằng, quyết định của CHDCND Triều Tiên sẽ tạo tiền đề để Bình Nhưỡng thoát khỏi tình trạng bị cô lập và mở ra con đường đưa Bình Nhưỡng hòa nhập trở lại với cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, quan chức trên còn kêu gọi các thanh sát viên IAEA tới CHDCND Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã hoan nghênh quyết định mới đây của CHDCND Triều Tiên nhằm ngừng các hoạt động làm giàu uranium và đón nhận các quan sát viên quốc tế tới hoạt động tại các cơ sở hạt nhân. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, Trung Quốc luôn theo đuổi các nỗ lực nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh hiện đang đóng một vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và toàn khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc hy vọng, quyết định mới nhất giữa chính quyền Washington và Bình Nhưỡng sẽ tạo thêm động lực, thúc đẩy việc nối lại các vòng đàm phán sáu bên trong thời gian sớm nhất có thể nhằm hướng tới tương lai giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện cam kết của mình nhằm hướng tới “một tiến trình phi hạt nhân hóa đáng tin cậy trên bán đảo Triều Tiên”. Theo ông Ban Ki-moon, cả Mỹ và Triều Tiên cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực đàm phán nhằm giải quyết hòa bình những vấn đề còn vướng mắc. Ngoài ra, ông cũng hối thúc tổ chức các cuộc gặp bàn về việc đưa hàng cứu trợ đến cho người dân Triều Tiên.
Trong tuyên bố ra ngày 29/2, Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano đã lên tiếng hoan nghênh quyết định mới nhất của Mỹ và CHDCND Triều Tiên, đồng thời tuyên bố, cơ quan này sẵn sàng cử nhân viên quay trở lại giám sát tổ hợp hạt nhân Yongbyon theo như yêu cầu của Washington và Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba khẳng định việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân là “một bước đi quan trọng”. Ông Gemba hy vọng Triều Tiên sẽ có “hành động cụ thể” nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên và bày tỏ hy vọng, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết vốn được xem là điều kiện tiên quyết giúp tái khởi động các vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc khẳng định, Seoul sẽ hợp tác với các bên tham gia đàm phán sáu bên và cộng đồng thế giới nhằm tiếp tục theo đuổi các nỗ lực giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên theo cách thức có thể xác minh./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.