Tập trận đa quốc gia ở biển Đông

Lần đầu tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc dự kiến sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Philippines trên biển Đông. 

 
Tàu chiến Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận Balikatan - Ảnh: Militaryphotos.net

Kyodo News hôm qua dẫn nguồn ngoại giao, quân sự từ Tokyo và Manila loan tin Lực lượng phòng vệ Nhật sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung thường niên Balikatan của quân đội Mỹ và Philippines. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia Balikatan 2012, dự kiến diễn ra từ cuối tháng này đến đầu tháng 4, hay không. Kyodo News dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật cho rằng đây là nỗ lực chứng minh sự hiện diện của Tokyo tại Đông Nam Á thông qua nền tảng là quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Cũng theo Kyodo News, lần đầu tiên tham gia tập trận dự kiến còn có Hàn Quốc, Úc và một số nước Đông Nam Á khác nhưng thông tin này chưa được xác nhận chính thức.

Báo The Daily Tribune dẫn lời giới chức Manila cho hay Balikatan 2012 sẽ diễn ra ở biển Đông với các bài huấn luyện truyền thống cũng như diễn tập bảo vệ - chiếm lại các giàn khoan dầu. Giới quan sát nhận định việc đa phương hóa cuộc tập trận Balikatan xuất phát từ những quan ngại đối với các hành động gần đây của Trung Quốc trên biển. Hồi tuần trước, tờ Manila Standard Today dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay mục tiêu của cuộc tập trận Balikatan sẽ chuyển từ chống khủng bố sang bảo vệ chủ quyền. Nước này và Trung Quốc cũng đang căng thẳng về việc Manila mời nhà đầu tư nước ngoài thăm dò dầu khí ở vùng biển đang tranh chấp. 

Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng

Giữa lúc có nhiều quan ngại về các động thái quân sự của Trung Quốc, nước này ngày 4.3 thông báo ngân sách quốc phòng năm 2012 vào khoảng 106,4 tỉ USD, tăng 10,7 tỉ USD so với năm ngoái. AFP dẫn lời phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh cho rằng con số này “tương đối thấp” so với một số nước khác, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tự vệ, hòa bình của quân đội nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng con số mà Bắc Kinh công bố thường thấp hơn nhiều so với thực tế. Giáo sư Willy Lam tại Đại học Hồng Kông chỉ ra rằng ngân sách được công bố phần lớn được dùng cho việc trả lương nhân viên và bảo trì khí tài, không bao gồm nguồn quỹ hiện đại hóa quân đội và phát triển vũ khí.