Tân Hòa Tây: Cánh đồng mẫu lớn – hiệu quả lớn

       Tay nâng niu từng bông lúa vàng trĩu hạt sắp đến ngày thu hoạch, chú Dương Văn Thàng phấn khởi khoe: “Lúc trước bà con nông dân không nắm được kỹ thuật trồng lúa, đất lại nhiễm phèn nặng nên liên tục thất mùa, đã vậy còn bị tư thương ép giá. Từ khi có mô hình Cùng nông dân ra đồng, rồi đến Cánh đồng mẫu lớn, bà con tụi tui phấn khởi lắm, vì lúa đạt năng suất cao hơn trước, chi phí đầu tư lại giảm khoảng 2 triệu đồng/ha. Từ đây cũng không còn sợ cảnh thương lái ép giá”.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (FF) cùng nông dân đi thăm Cánh đồng mẫu lớn.

Làm ruộng cùng các anh FF

Một lần tình cờ mấy anh FF (Farmer”s Friend, tạm dịch: bạn nhà nông), là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đi khảo sát tình hình dịch bệnh trên lúa ở Tân Hòa Tây, nhận ra bà con nông dân ở đây chưa nắm được kỹ thuật, chưa biết cách xử lý phèn; bà con nông dân sạ dầy, hễ thấy lúa vàng lá là rải phân, thấy có biểu hiện bệnh thì “đoán già đoán non” rồi tự đi mua thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt theo kinh nghiệm của mình. Thậm chí có người thấy đám ruộng bên cạnh phun thuốc thì cũng bắt chước mua thuốc bảo vệ thực vật về xịt cho… an tâm, dù lúa của mình không bị sâu bệnh gì. Kết quả là năng suất thấp, chi phí đầu tư lại cao nên lãi thấp, thậm chí không có lãi hoặc thua lỗ.

Trước thực tế đó, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đề xuất với lãnh đạo xã Tân Hòa Tây để Công ty cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn cho bà con nông dân cách trồng lúa. Lúc đầu chỉ tổ chức thí điểm ở 10 hộ, với diện tích khoảng 21 ha. Đó là thời điểm năm 2009. Giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” ấy gọi là mô hình Cùng nông dân ra đồng. Anh Nguyễn Văn Hải là một trong 10 hộ thí điểm thực hiện mô hình Cùng nông dân ra đồng nhớ lại: “Lúc đầu, cán bộ xã dẫn các anh FF của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đến nhà giới thiệu. Nghe các anh FF nói sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa thì tui mừng khấp khởi trong bụng, nên gật đầu đồng ý liền do mình hổng biết kỹ thuật trồng lúa, do năng suất luôn thấp, chi phí đầu tư lại cao, vì vậy có vụ không có lãi, thậm chí thua lỗ, phải mắc nợ ngân hàng”.

Trong những ngày đầu ấy, bà con thấy các anh FF trẻ đầy nhiệt huyết, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân nên để mắt theo dõi coi các anh làm ruộng thế nào. Thấy cách trồng lúa của các anh FF sao lạ quá, sạ chỉ 12 - 14 kg giống/công, trong khi bà con sạ khoảng 18 kg giống/công; lúc nào các anh cũng miệt mài trên đồng, trong khi bà con lâu lâu mới ra thăm đồng một lần… Tò mò, bà con đi theo để xem các anh FF làm gì mà ngày nào cũng ra đồng. Thấy mấy anh FF còn trẻ mà rất giỏi kỹ thuật, lại nhiệt tình hướng dẫn từ cách sạ sao cho mật độ lúa phù hợp, đến cách nhận biết lúa bệnh gì, cách bón phân, phun thuốc ra sao nên bà con nông dân quý mến và thán phục lắm.

Anh Hải phấn khởi kể tiếp: Các anh FF của Công ty hướng dẫn anh xử lý phèn bằng cách đánh đường máng trên ruộng, sau đó rải vôi rồi bơm nước vào, ngâm một thời gian rồi xả nước ra. Bước tiếp theo là bón lót phân lân, sau đó mới sạ giống. Các anh FF theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng của cây lúa để khuyến cáo khi nào rải phân, khi nào phun thuốc… Kết quả vụ đông - xuân năm 2009-2010, lúa của anh thu hoạch đạt năng suất 38 giạ lúa khô/công (trước kia vụ đông - xuân chỉ đạt từ 30 - 32 giạ/công), cao hơn hẳn năng suất của các cánh đồng bên cạnh, trong khi đó chi phí đầu tư lại thấp. Nhờ vậy, anh đã trả được nợ vay ngân hàng 15 triệu đồng do trước kia vay đầu tư vào thửa ruộng, nhưng thất mùa nên không trả được nợ.

Đến Cánh đồng mẫu lớn

Không chỉ có thửa ruộng của anh Hải đạt hiệu quả, mà 9 thửa ruộng thí điểm trong mô hình Cùng nông dân ra đồng còn lại đều cho năng suất cao, hơn hẳn các thửa ruộng xung quanh không áp dụng mô hình. Vụ hè - thu tiếp theo, 10 thửa ruộng chọn làm điểm trong mô hình Cùng nông dân ra đồng cho năng suất cao hơn hẳn những thửa ruộng khác. Nông dân rất phấn khởi vì thấy mô hình của mấy anh FF có hiệu quả, nên nhiều người xin vào mô hình. Đến vụ đông - xuân 2010-2011, mô hình được mở rộng lên 55 ha, với 82 hộ; năng suất đạt khoảng 8 - 8,6 tấn/ha (trước kia chỉ đạt khoảng 7,6 tấn/ha), trong khi chi phí đầu tư lại thấp. Vụ 2 năm 2011, năng suất đạt từ 6 - 6,2 tấn/ha (trước kia chỉ khoảng 5,6 - 5,8 tấn/ha). Đến vụ đông - xuân 2011-2012, mô hình đã mở rộng diện tích lên 162 ha, với 185 hộ. Mô hình Cùng nông dân ra đồng được đổi tên là Cánh đồng mẫu lớn.

Anh Lê Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Tây, Tổ trưởng Tổ sản xuất Cánh đồng mẫu lớn phân tích: Từ khi thực hiện mô hình Cùng nông dân ra đồng, rồi đến Cánh đồng mẫu lớn, thành công lớn nhất đó chính là đã giúp cho bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng lúa. Chú Dương Văn Thàng nhớ lại: Trước kia, thấy lúa bệnh mà hổng biết bệnh gì, nên đôi khi bệnh Nam, chữa Bắc, tốn tiền mà vẫn không cứu được lúa. Nhiều khi thấy lúa vàng thì mang phân ra rải, lúa không xanh lại thì rải tiếp. Rải phân riết đám lúa rụi luôn mà hổng biết tại sao. Bây giờ, biết lúa bệnh vàng lùn biểu hiện như thế nào, biết sâu cuốn lá phun thuốc vào thời điểm nào cho đạt hiệu quả cao… Anh Phan Duy Trúc phân tích: Khi nông dân vào mô hình Cánh đồng mẫu lớn còn giúp giảm ô nhiễm môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít, đúng thời điểm.

Cái lợi thứ 2 đó chính là giảm bớt chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Anh Phan Duy Trúc có 1,8 ha trong Cánh đồng mẫu lớn. Lúc đầu còn bán tín bán nghi, nên anh chỉ đưa vào mô hình 7 công để làm cơ sở đối chiếu. Anh Trúc nói theo cách nghĩ mộc mạc của người nông dân: “Thấy mấy anh FF chơi được, tận tình, hướng dẫn mình trồng lúa có hiệu quả cao nên tui quyết định đưa hết diện tích đất còn lại vào mô hình luôn”. Anh Trúc nhẩm tính: Mùa này, cánh đồng của anh cho năng suất khoảng 8,4 - 8,5 tấn/ha; trong khi đó chi phí đầu tư giảm khoảng 2 triệu đồng/ha. Nếu tính theo giá lúa hiện nay, trừ các chi phí đầu tư, anh còn lãi khoảng 23 - 24 triệu đồng/ha, cao hơn khá nhiều so với trước kia.

Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Tây Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Mô hình bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, khiến cho bà con nông dân rất phấn khởi. Dự kiến vụ đông - xuân năm 2012-2013, mô hình Cánh đồng mẫu lớn sẽ tăng diện tích lên 500 ha. Hiện nay, xã đã ký hợp đồng với Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu 810 tấn lúa IR50404 trong Cánh đồng mẫu lớn của xã. Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, Công ty sẽ thu mua theo giá thị trường và có giá sàn không thấp hơn 4.670 đồng/kg. Theo anh Lê Hoàng Tùng, khi bà con nông dân ở Tân Hòa Tây quen với kỹ thuật và cách sản xuất mới của mô hình Cánh đồng mẫu lớn thì Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang sẽ bao tiêu luôn sản phẩm.

FF Trần Chí Công cho biết: Năm 2006, dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hoành hành khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ban Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang trăn trở tìm cách để giúp bà con nông dân hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Từ đó, chương trình Cùng nông dân ra đồng được triển khai thực hiện. Lúc đầu, Công ty tuyển 12 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp (đặt biệt hiệu là F1), đưa xuống trực tiếp với bà con nông dân ở tỉnh An Giang để nghiên cứu, giúp họ hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thấy mô hình đạt hiệu quả, Công ty tiếp tục tuyển thêm kỹ thuật viên để hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng lúa, đặt biệt hiệu là F2. Đến nay, Công ty đã tuyển đến F14, với 600 kỹ thuật viên, rải đều khắp các tỉnh ĐBSCL, một số tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Đặc biệt, Công ty còn cử một số cán bộ kỹ thuật nông nghiệp sang Campuchia để giúp bà con nông dân nước bạn trồng lúa. Riêng ở Tiền Giang, Công ty mở 3 điểm tư vấn kỹ thuật cho nông dân ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công Tây, với 38 FF.