Điều 60 Luật BHXH: Chuyện của người già không có lương hưu

Nhiều người đã “lĩnh một cục” đến giờ tỏ ra tiếc nuối vì quyết định trước đây. Sức khỏe kém, không thu nhập khiến cuộc sống của họ bấp bênh.

Nhiều năm trước đây Luật cho phép người lao động tham gia đóng BHXH được thanh toán một lần khi không còn tiếp tục lao động. Từ 1/1/2016, theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động sẽ không được thanh toán 1 lần số tiền đã đóng bảo hiểm mà phải đến lúc nghỉ hưu mới được sử dụng. Qui định này đã vấp phải sự phản ứng của công nhân Công ty Pou Yuen vì nhiều người muốn nhận khoản tiền này ngay sau khi họ nghỉ việc.

Việc thanh toán 1 lần số tiền BHXH không phải bây giờ mới có. Những nhà làm luật và chính sách đã có nhiều thời gian nghiên cứu, cân nhắc tính ưu việt của từng hình thức thanh toán và khả năng chịu đựng của Quỹ BHXH… rồi mới xây dựng Điều 60 Luật BHXH. Và đến bây giờ, bản thân những người lao động cũng còn đang “giằng xé” giữa các phương án nên hay không nên thanh toán một lần?!

Bà Nguyễn Thị Dinh (50 tuổi) đang sinh sống ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2005, do Công ty nơi bà làm việc làm ăn không hiệu quả, cơ quan tinh giản biên chế, việc làm lúc có lúc không… nên đã giải quyết chế độ cho hàng trăm công nhân nghỉ chế độ trước tuổi. Nhiều người lao động trong công ty, trong đó có bà cũng đã làm đơn xin giải quyết chế độ. Tuy nhiên, lúc đó người thì muốn nghỉ việc và thanh toán “1 cục”, người thì muốn giữ BHXH để đóng tiếp cho đủ tuổi nghỉ hưu.

Vì không chắc chắn mình có đi làm tiếp nữa hay không, bản thân lại muốn cầm “tiền tươi, thóc thật” cho chắc ăn nên bà Dinh quyết định thanh toán 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Với 15 năm đóng BHXH, mức trợ cấp bà Dinh nhận được là 22,5 tháng lương bình quân đóng BHXH trong 5 năm gần nhất. Mức tiền lương bình quân đóng BHXH của bà Dinh khoảng 3 triệu đồng/tháng nên nhận được gần 70 triệu đồng.

“Đó là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình tôi lúc bấy giờ. Tôi phải lo xây lại nhà cửa cho các cụ ở quê cộng với các cháu đang tuổi ăn học nên tôi quyết định ngay là sẽ lĩnh một lần để lo công việc gia đình. Cầm khoản tiền đó rồi chia năm sẻ bảy cũng hết mà cũng chẳng được việc gì ra tấm ra món, đến lúc thiếu vẫn hoàn thiếu. Bây giờ tuổi đã cao, sức yếu, không còn làm thuê ở đâu được nữa mới nghĩ đến chuyện giá ngày xưa mình không lĩnh một cục thì giờ đã có mấy đồng lương hưu cho tuổi già” – bà Dinh bùi ngùi chia sẻ.

Cũng theo câu chuyện của bà Dinh, cùng thời điểm giải quyết chế độ với bà, có người lấy tiền đó về đầu tư làm ăn giờ đã khấm khá hơn. Nhưng trong số mấy chục người lĩnh BHXH một lần thì chỉ được 1-2 người may mắn biết cách làm ăn và không rơi vào cảnh tiếc nuối như bà Dinh bây giờ.

Tiết kiệm lúc trẻ cho tuổi già

Còn ông Trần Văn Năm (ở Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định), hiện đang làm việc cho Công ty TNHH Xây dựng Hùng Vương cho biết: Tôi đã tham gia đóng BHXH được gần 20 năm. Doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc làm đơn vị thứ 4 tôi đến. Những lần thôi việc trước kia, do cả khách quan và chủ quan, tôi cũng đã có ý định lĩnh một lần rồi tính tiếp. Tuy nhiên, bản thân tôi thấy rằng, mình còn sức khỏe, còn lao động được thì không nhất thiết phải trông chờ vào món tiền ấy. Tôi coi đó là của để dành cho tuổi già của mình.

Ông Năm nói thêm: Bản thân tôi, đã từng phải nuôi cha mẹ già không có lương hưu, không có bất kỳ đồng trợ cấp nào tôi thấu hiểu tâm trạng của họ. Họ làm gì cũng dè dặt, không tự chủ được cuộc sống của mình, vì làm gì cũng phải xin tiền các con. “Cha tôi lúc lâm chung rất muốn khi chết được hỏa thiêu để sau này không còn làm phiền các con nữa. Nhưng trong túi ông không có đồng nào nên ông không dám nói điều này với con mình vì sợ làm việc đó sẽ tốn kém cho các con. Rất may, tôi đã biết được tâm nguyện này của cụ và làm theo. Tôi không muốn cuộc sống của mình giống thời của cha mẹ tôi” – ông Năm chia sẻ.

Nói về việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, ông Năm cho rằng: “Trước khi tiến hành sửa điều luật này, tôi rất mong Chính phủ và các ngành liên quan cần có điều tra, đánh giá thực tế. Vì quyết định của Chính phủ đưa ra mới dựa trên phản ứng của 90.000 công nhân của Công ty Pou Yuen phản đối chính sách BHXH chứ không phải là tất cả người lao động ủng hộ cần thay đổi điều 60. Nhưng nếu là 90% người lao động thấy điều 60 không phù hợp thì chắc chắn sẽ phải sửa” – ông Trần Văn Năm nói thêm.

Khi được hỏi lý do vì sao nhiều người từ năm 2010 trở về trước muốn thanh toán một lần, bà Nguyễn Thị Dinh chia sẻ: “Mọi người lo sợ sẽ có nhiều rủi ro, trượt giá, rồi sẽ mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm trong tay cho chắc ăn”.

Đem những băn khoăn này đến thắc mắc với một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về vấn đề tiền lương, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Đặng Như Lợi cho biết: “Việc chi trả BHXH phải theo luật. Còn vỡ ở đâu thì ngân sách phải chi. Quỹ kết dư của BHXH nhà nước vay là chủ yếu. Chính phủ vay, đầu tư để bảo toàn và bù trượt giá, năm nào cũng phải “đẻ” ra. 10 năm thì ít nhất phải tăng trưởng gấp đôi”./.

Vũ Hạnh/VOV.VN