Đưa dòng điện tới các huyện đảo phía Nam Tổ quốc

Với việc khánh thành đường dây 22 kV, đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre, Trung tâm Hành chính của huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, vào ngày (10/4), là dấu mốc quan trọng trong việc cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo tiền tiêu ở vùng biển phía Nam Tổ quốc.
Công nhân Công ty Điện lực Kiên Giang trên huyện đảo Kiên Hải đang kiểm tra lưới điện. Ảnh: VGP/Đình Hoàng

 

Trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết dự án kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre, Trung tâm Hành chính của huyện đảo Kiên Hải được khởi công từ tháng 7/2014. Ngày 10/2 vừa qua (dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015), EVNSPC đã chính thức đóng điện để phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay, sau hơn 1 tháng vận hành ổn định, công trình đã cấp điện cho hơn 1.125 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu.

Trước khi có điện lưới quốc gia, 100% số hộ trên đảo Hòn Tre sử dụng điện từ nguồn máy phát diesel, với giá thành sản xuất 8.319 đồng/kWh, các hộ sử dụng điện phải mua với giá đến 11.000 đồng/kWh.

Bên cạnh giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh Kiên Giang do phải trợ giá điện (hàng năm, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ chi phí phát điện, trợ giá điện sinh hoạt cho xã đảo Hòn Tre lên đến hàng chục tỷ đồng) thì một trong những yếu tố hết sức quan trọng của việc đưa điện lưới quốc gia ra Kiên Hải bằng đường dây vượt biển 22kV là góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo.

Tại huyện đảo Phú Quý, năm 2014, người dân và DN rất phấn khởi vì những khó khăn về giá điện cũng như thời gian phát điện đã được giải quyết. Bởi từ ngày 1/6/2014, EVNSPC đã thực hiện giá bán lẻ điện trên các huyện đảo như mức giá với khách hàng sử dụng điện lưới quốc gia trên đất liền. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2014, EVNSPC chính thức thực hiện thời gian phát điện trên đảo tăng từ 16/24 giờ lên 24/24 giờ hàng ngày.

Trước đây, giá bán điện cho hộ gia đình, các tổ chức, DN trên đảo Phú Quý bình quân cao hơn trong đất liền từ 1,9-4,96 lần. Trong khi đây là một trong số ít đảo có đông dân cư và nhiều doanh nghiệp chế biến thủy. Do vậy việc giá điện giảm và thời gian phát điện liên tục chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho huyện đảo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Còn với huyện đảo Phú Quốc, với tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng, tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển nối Hà Tiên với Phú Quốc, dài nhất Đông Nam Á, đưa điện lưới quốc gia ra đảo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn điện trên đảo Phú Quốc.

Đặc biệt, ngoài việc Phú Quốc đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, nhất là lĩnh vực du lịch và dịch vụ thì với nguồn phát điện diesel như trước đây sẽ không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, giá bán điện rất cao đã làm hạn chế rất lớn tiềm năng phát triển của đảo.

Từ khi có điện lưới quốc gia (tháng 2/2014), việc cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trên đảo được ổn định. Ngay sau khi có điện lưới quốc gia, các nhà đầu tư đã tập trung triển khai rất nhiều dự án trên đảo, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của đảo ngọc chỉ trong một thời gian ngắn. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, cú hích quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện đưa Phú Quốc nhanh chóng trở thành một đặc khu kinh tế trong thời gian tới.

Nguồn Chính phủ