Trẻ béo mập cũng dễ bị còi xương
Còi xương không chỉ những trẻ suy dinh dưỡng mắc phải mà cả những trẻ béo mập cũng dễ bị còi xương. Vì thế đề phòng bệnh còi xương cho trẻ rất quan trọng.
Còi xương là một bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi, phôtpho do cơ thể thiếu vitamin D và thường gặp ở trẻ đang thời kỳ lớn nhanh. Trẻ bị còi xương ngoài việc điều trị vitamin D theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ.
Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cai sữa trước 12 tháng. Trẻ 6 tháng tuổi cho ăn bổ sung những thức ăn giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, phốtpho như: tôm, cua, cá, sữa, đậu đỗ và các loại rau xanh, chú ý thêm dầu mỡ để tăng cường hấp thu vitamin D. Nếu cho trẻ ăn nước ninh xương thì rất ít canxi và khó hấp thu. Cho trẻ uống thêm nước hoa quả và quả chín.
Muốn phòng bệnh còi xương cho trẻ phải phòng bệnh ngay từ khi còn là bào thai, người mẹ phải ăn uống đủ chất, chú ý tăng cường những thực phẩm có nhiều canxi như: tôm, cua, cá, trứng, sữa, đậu đỗ trong suốt thời gian mang thai.
Cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 1 giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho trẻ bú đến 18 tháng hoặc 24 tháng, vì trong sữa mẹ tỉ lệ Ca/Phốtpho rất thích hợp cho việc hấp thu của trẻ.
Cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 10 đến 15 phút, chỉ cần để hở 2 cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời…Nếu thấy trẻ có dấu hiệu còi xương cần hỏi ý kiến thầy thuốc để sớm có hướng điều trị.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.