Bệnh tay-chân-miệng ở ĐBSCL: Nỗi lo tiếp tục kéo dài

       Bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang tiếp tục trở thành mối lo trong cộng đồng khi tại nhiều địa phương ĐBSCL, bệnh dịch này vẫn đang tiếp tục bùng phát dữ dội.   

Số ca mắc bệnh tăng đột biến…

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 8.000 ca mắc bệnh TCM tại 60/63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tại ĐBSCL, có 7 tỉnh có người mắc bệnh, đó là Đồng Tháp,  Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau,  An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Tại Vĩnh Long, trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 233 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 1 ca tử vong. Đó là bệnh nhi Trần Khánh Vân, 37 tháng tuổi, ở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm - Giám đốc bệnh viện cho biết, trong số các bệnh nhi mắc TCM điều trị tại bệnh viện có gần cả trăm trường hợp biến chứng nặng, thậm chí đến cấp độ 4.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh  trong khu vực có số trẻ mắc bệnh TCM khá cao so với các tỉnh trong vùng. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 600 ca mắc TCM với 1 ca tử vong, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong những tuần đầu năm 2012, số ca mắc TCM có giảm hơn so với những tuần cuối của năm 2011 nhưng vẫn còn ở mức cao.

Trẻ em khám - chữa bệnh TCM tại BV Nhi Đồng TP.Cần Thơ.     Ảnh: Trần lưu

Trẻ em khám - chữa bệnh TCM tại BV Nhi Đồng TP.Cần Thơ. Ảnh: Trần Lưu

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp. Năm trước toàn tỉnh có đến 6.000 ca mắc TCM và làm 9 trường hợp tử vong, tuy nhiên, bệnh xuất hiện trễ từ khoảng tháng 5 trở về sau. Năm nay, bệnh TCM xuất hiện sớm ngay từ đầu năm, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 80 ca, cao điểm có tuần hơn 330 ca.

Nguy cơ bùng phát thành dịch…

Theo Sở Y tế TP.Cần Thơ, năm nay, bệnh TCM phát tán từ cộng đồng dân cư và đang có xu hướng tăng cao tại các quận, huyện trên địa bàn với những ổ dịch xuất hiện rải rác tại các trường học và cộng đồng dân cư, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.

Trước thực trạng đó, vừa qua, Bộ Y tế đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch TCM. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, TP đang triển khai tháng cao điểm truyền thông, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch TCM nhằm tăng cường công tác giám sát, thực hiện các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, cộng đồng dân cư để hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do bệnh TCM.

Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều địa phương tuy chưa xuất hiện trường hợp tử vong do bệnh TCM, nhưng nguy cơ tái phát thành dịch là rất cao. Đáng lo nhất hiện nay là kiến thức về phòng bệnh và nhận biết bệnh TCM của người dân rất hạn chế. Mặt khác, bệnh TCM chỉ bộc phát mạnh đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi vì cơ thể đề kháng yếu. Tuy nhiên, những người lành (nhất là các bậc cha mẹ) mang trùng bệnh này mới chính là nguồn lây lan nguy hiểm mà chính bản thân họ cũng không hay biết.