Anh Nguyễn Thanh Tùng – Kiện tướng trồng khoai mỡ trên Đồng Tháp Mười
Anh Nguyễn Thanh Tùng ngụ tại ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) lập nghiệp tại đây từ năm 1994, anh đã tìm thấy cơ duyên gắn bó với cây khoai mỡ - một loại cây trồng có thể nói là đặc sản của Đồng Tháp Mười. Nhờ cây trồng này anh tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, trở thành triệu phú nông thôn tiêu biểu của tỉnh trong hàng chục năm qua, là đại biểu tỉnh Tiền Giang tham dự Hội nghị nông dân tiên tiến điển hình toàn quốc năm vừa qua.
Anh Tùng với niềm vui được mùa. |
Anh Tùng cho biết, sở dĩ anh chọn Tân Phước làm quê hương thứ hai của mình nhờ chính sách khuyến khích di dân khai thác vùng đất mới của Đảng và Nhà nước cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn tạo cho mình một cơ hội đổi đời. Khi vào đây, anh được cấp 3 ha đất hoang hóa. Những năm 90 của thế kỷ trước, Tân Phước còn là vùng đất hoang vu, mọc bạt ngàn cỏ năng, cỏ đưng, cỏ bàng và cây tràm gió trong khi người ở hết sức thưa thớt. Xa xa, mới thấy một túp lều, một ngôi nhà. Cuộc sống khó khăn, tiện nghi thiếu thốn đủ mọi bề đã đành nhưng tìm ra cây trồng phù hợp, hiệu quả cũng là cả bài toán nan giải bởi đất này nhiễm phèn nặng, rất khó tính, nhiều loại cây trồng có giá trị từ vùng khác đưa về đây không sống nổi.
Anh Tùng đã chọn cây khoai mỡ, loại cây dễ trồng, năng suất, sản lượng khá, đầu ra thuận lợi. Ban đầu, anh chỉ khai hoang trồng phân nửa diện tích được cấp, khoảng 1,5 ha. Thông thường, vào tháng 10 âl, khi nước lũ trên đồng thực sự rút đi người dân Tân Phước bắt đầu xuống giống khoai mỡ. Sau khoảng 4 - 5 tháng thì thu hoạch, tức vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 năm sau. Khoai mỡ tại đây có nhiều giống: khoai trắng phục linh, khoai trắng ngọt, khoai tím than, tím bông lau…
Đúc kết kinh nghiệm thực tế, anh Tùng suy nghĩ phải chủ động trồng khoai mỡ vụ sớm, cho thu hoạch để khắc phục tình trạng trúng mùa nhưng đụng chợ. Anh mạnh dạn đầu tư vốn làm đê bao chống lũ cho diện tích khoai mỡ để có thể xuống giống sớm hơn chừng một tháng so với chính vụ. Vụ đầu tiên thắng lợi lớn. Từ đó, những năm sau anh mở rộng diện tích khoai mỡ sớm từ 1,5 ha đầu tiên lên gấp đôi, 3 ha. Ngoài ra, từ lợi nhuận thu được từ cây khoai mỡ hàng năm, anh dành dụm đầu tư thêm đất đai mở rộng quỹ đất sản xuất. Sau 16 năm lập nghiệp trên miền đất mới, anh hiện có quỹ đất sản xuất lên đến 9,7 ha, trong đó anh vẫn dành 5,7 ha trồng khoai mỡ vụ sớm, còn lại 4 ha trồng chuyên canh khóm (dứa) - đây cũng là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hàng đầu tại Đồng Tháp Mười hiện nay.
Đặc biệt, để đất tái tạo độ phì nhiêu, chống bạc màu, anh Tùng còn áp dụng mô hình luân vụ khoai mỡ + đậu phộng (lạc). Cứ sau vụ khoai mỡ thu hoạch xong anh bắt đầu khâu làm đất, cày xới và xuống giống đậu phộng. Mặc dù đậu phộng trồng ở Đồng Tháp Mười năng suất không cao bằng các nơi khác, chỉ vào khoảng 1 tấn/ha nhưng bù lại anh thu được nguồn phân hữu cơ quí giá từ thân, rễ đậu phộng.
Tháng 3 năm nay, nhà anh Tùng không khí rất vui vẻ bởi một vụ mùa mới bội thu ngoài dự kiến. Anh khoe, vụ khoai sớm đông xuân 2011 - 2012 sau trận lũ lớn vừa qua trúng đậm cả về năng suất, sản lượng, chất lượng và giá cả. Trà khoai anh đạt năng suất đến 18 tấn/ha, khoai rất tốt, toàn củ to đẹp và giá bán cao kỷ lục từ trước đến nay: 11.500 đồng/kg. Với 3 ha khoai mỡ, sau khi trừ chi phí cần thiết, gia đình anh lãi ròng trên 200 triệu đồng.
Năng động, nhạy bén, áp dụng khoa học - kỹ thuật thâm canh tốt và chọn cây trồng phù hợp là những bí quyết giúp anh Nguyễn Thanh Tùng dựng nghiệp căn cơ, bền vững trên vùng đất khó, góp phần đưa Đồng Tháp Mười sang một trang mới phồn vinh, thịnh vượng nhanh chóng đến không ngờ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.