Công nghiệp thời trang Việt: Nhiều ưu thế nhưng thiếu sự đồng bộ
Có nhiều ưu thế nhưng sự phát triển lại chậm và thiếu sự đồng bộ, mang tính tự phát là điều mà những người làm thời trang tại Việt Nam luôn băn khoăn.
Vẫn còn nặng về gia công
Hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp thời trang đang là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo, đã có những bước chuyển mình thực sự, về cả chất và lượng, trong hơn một thập niên qua. Trong lĩnh vực dệt may và da giày, tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ Mỹ, Eu và các nước khác, ngành dệt may và da giày đã thu hút được nhiều lao động, năng lực sản xuất tăng nhanh qua hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm đưa Việt nam trở thành cường quốc xuất khẩu dệt may với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 24 tỷ USD.
Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn còn có đơn vị nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ liệu chủ yếu là ngoại nhập. Trên thế giới, sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt còn trống vắng.
Đánh giá về thực trạng của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam hiện nay, NTK Hà Linh Thư – chủ thương hiệu thời trang Pearl Hà cho biết, nhiều người có thể thấy, trong thời gian qua, thời trang Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn. “Chúng ta hội nhập và nắm bắt các xu hướng rất nhanh, tốt, nhưng để nói về ngành công nghiệp thời trang thì tôi nghĩ rằng chúng ta chưa có. Bởi hiện tại, các công ty may mặc tại Việt Nam vẫn chỉ là những nhà gia công bán buôn, còn các nhà làm thời trang thì vô cùng nhỏ lẻ. Cùng với đó, các quy trình thời trang vẫn đầy thủ công mà ít có được các công nghệ hiện đại áp dụng vào công việc hàng ngày”.
Cùng quan điểm với NTK Hà Linh Thư, NTK Kelly Bùi cho biết, đối với thị trường dệt may, Việt Nam chỉ đang tồn tại ở thị trường thời trang gia công. Còn, thị trường thời trang nói riêng thì chúng ta vẫn đang hình thành, cần phát triển và cần phải nỗ lực rất nhiều.
Hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang đều cho rằng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang thiếu sự đồng bộ, mang tính chất tự phát thay vì tuân theo những chiến lược phát triển bài bản
Còn đối với ông Vũ Chí Công – Trưởng khoa thiết kế thời trang – trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhìn nhận, hiện tổng hạn ngạch xuất khẩu của ngành may mặc Việt Nam đạt rất cao nhưng cũng đang sử dụng rất đông nhân lực. Có nghĩa, hiệu suất hoạt động trong lĩnh vực này còn thấp. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh vẫn thấy định hướng của ngành may mặc là xuất khẩu bằng giá trị gia công sản phẩm.
“Vì vậy, có thể nói chính xác rằng, ngành vẫn chỉ gọi là may mặc, nên cần một định hướng phát triển và xây dựng trở thành ngành công nghiệp thời trang Việt Nam” – ông Vũ Chí Công đưa ý kiến.
Bài toán nào để thời trang Việt phát triển bền vững?
Để lý giải cho việc, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp thời trang nhưng tầm vóc của ngành vẫn phát triển rất chậm, thiếu sự đồng bộ và mang tính tự phát… hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang đều cho rằng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang thiếu sự đồng bộ, mang tính chất tự phát thay vì tuân theo những chiến lược phát triển bài bản.
Bà Nguyễn Thị Sao Kim – Viện trưởng Viện mẫu thời trang Fadin chia sẻ, để có được những thành công nhất định thì cần phải trải qua một hành trình, quá trình, trải nghiệm, tích lũy và tương tác. Có vấp ngã hay gặp khó khăn thì chúng ta mới trưởng thành và có được những bài học kinh nghiệm cho riêng mình.
“Theo tôi ‘Có bột mới gột nên hồ’, ‘bột’ ở đây là chúng ta có một hạ tầng về quy trình sản xuất, nguồn nhân lực đủ mạnh về kỹ thuật, kinh doanh, Marketing… đó là những nền tảng để chúng ta gặt hái được những thành công và tạo ra được chỗ đứng cho riêng mình. Đồng thời cũng cần phải có sự gắn kết của các nhà kinh doanh – cá nhân yêu thích thời trang hay những NTK để tạo thành một sức mạnh giúp ngành thời trang phát triển trong tương lai” – bà Nguyễn Thị Sao Kim cho biết.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho rằng, gia công là bước đầu mà hầu hết các nước có nền công nghiệp thời trang phát triển vững mạnh đều trải qua. Tuy nhiên, ta phải biết cách thực hiện như thế nào để rút ngắn thời gian gia công và từ đó tạo được dấu ấn, sản phẩm riêng của mình. Cùng với đó, muốn phát triển bền vững ta cần thực hiện được đồng bộ các khâu: Nhà thiết kế, nhà đầu tư, đơn vị sản xuất và cuối cùng là kế hoạch truyền thông.
“Tuy nhiên, để kết hợp và nhận được sự đồng thuận của bốn yếu tố này là một điều rất khó. Bởi, các nhà đầu tư hay đơn vị sản xuất luôn tính xem họ sẽ có lợi ích gì từ một dự án, còn các NTK lại phải hiểu rằng, toàn bộ thiết kế của mình nó sẽ chỉ là trên giấy và không bao giờ đi cuộc sống nếu thiếu các nhà đầu tư… và nó sẽ chỉ bán được khi có chiến dịch marketing tốt” – bà Thành Huyền cho biết thêm.
Cùng chia sẻ về giải pháp để đưa ngành công nghiệp thời trang ngày một phát triển, bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng Giám đốc & Tổng biên tập tạp chí F Fashion (khu vực Đông Dương) cho biết: “Để phát triển thì bước đầu ta có thể tổ chức những cuộc hội thảo về thời trang để những người làm thời trang gặp nhau, chia sẻ, trao đổi và tìm ra những khó khăn, thuận lợi hay vướng mắc chung của ngành. Và từ đó tìm ra hướng giải quyết giúp ngành thời trang có hướng đi đúng. Đồng thời, mọi người phải biết kết hợp các thế mạnh, sức mạnh riêng của mỗi người để biến thành sức mạnh chung và hiểu được đường đi cơ bản của công việc này là gì để có lựa chọn tốt nhất. Bởi thời trang cũng là kinh doanh và những người theo đuổi nó muốn thành công thì cần phải có những kế hoạch, chiến lược bài bản, dài hạn”.Giống như bà Nguyễn Thanh Hương, NTK Kelly Bùi cho rằng, để ngành công nghiệp thời trang phát triển hơn nữa thì cần coi đây là một trong những ngành chủ lực của nền công nghiệp quốc gia. Vì nó không chỉ tiên phong trong việc đưa ra các xu hướng thời trang mang bản sắc dân tộc và định hướng người tiêu dùng Việt trong việc chọn lựa hàng may mặc mà quan trọng hơn là nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may, chấm dứt tình trạng sản xuất công nghiệp, gia công giá rẻ cho nước ngoài.
“Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và được thực hiện một cách cụ thể để nền công nghiệp thời trang Việt Nam bắt kịp với các nền công nghiệp thời trang trên thế giới” – NTK Kelly Bùi cho biết./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.