Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung
Sáng 24-4, tại thành phố Bandung, Indonesia đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.
Lãnh đạo các nước đã tham gia cuộc diễu hành lịch sử đến Cung Thống nhất (Gedung Merdeka), qua đó tái hiện “Cuộc đi bộ Bandung” 60 năm trước. Năm 1955, đúng trên đoạn đường này, “Cuộc đi bộ Bandung” đã được lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao Á – Phi lần đầu tiên thực hiện.Cuộc diễu hành lịch sử lần này có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các nước Á – Phi, vừa thể hiện sự bất diệt của tinh thần Bandung, vừa cho thấy sự lớn mạnh và đoàn kết của cộng đồng các nước đang phát triển Á – Phi trong một thế giới đang có nhiều biến đổi sâu sắc.
Lãnh đạo các nước Á – Phi tham gia cuộc diễu hành lịch sử đến Cung Thống Nhất, tái hiện “Cuộc đi bộ Bandung” 60 năm trước
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có bài phát biểu nêu bật ý nghĩa của Hội nghị Bandung 1955, những giá trị trường tồn của tinh thần Bandung, nhấn mạnh 10 nguyên tắc Bandung vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới hiện nay và hơn lúc nào hết, các nguyên tắc này cần được tôn trọng, cộng đồng Á – Phi cần phải đoàn kết và hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và vì một thế giới công bằng hơn. Đại diện của hai châu lục Á – Phi và các quan sát viên cũng đã có các bài phát biểu ôn lại chặng đường 60 năm phát triển của cộng đồng Á – Phi, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải duy trì và phát huy tinh thần Bandung trong bối cảnh hiện nay, mang lại lợi ích cho nhân dân các nước đang phát triển Á – Phi và cho toàn nhân loại. Sau lễ kỷ niệm, các vị lãnh đạo các nước đã tham dự lễ khánh thành Tượng đài Á – Phi, công trình mang tính biểu tượng kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung.
* Nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á – Phi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với nguyên Tổng thống Indonesia, bà Megawati Sukarnoputri. Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp vô giá của cố Tổng thống Sukarno, phụ thân của Bà Megawati Sukarnoputri, trong việc hình thành ý tưởng và tổ chức Hội nghị Bandung 1955; tinh thần Bandung mà ngài Sukarno cùng các vị lãnh đạo tiền bối xây dựng vẫn sống mãi với thời gian, trong 60 năm qua đã cổ vũ các nước đang phát triển Á – Phi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước và phấn đấu cho một trật tự thế giới mới. Cố Tổng thống Sukarno cũng đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Indonesia. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của bà Megawati trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2013. Bà Megawati đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào Hội nghị Bandung 1955 với tư cách một nước vừa chiến thắng chủ nghĩa thực dân, qua đó cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước Á – Phi trên toàn thế giới, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong suốt chặng đường 60 năm qua đối với Phong trào Không liên kết, Nhóm 77 và hợp tác Nam – Nam.
* Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein. Hai vị lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương, nhất là về chính trị-đối ngoại, kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp… Thương mại hai chiều đã đạt 475 triệu USD trong năm 2014, tăng 35% so với năm 2013. Hiện Việt Nam có 7 dự án đầu tư tại Myanmar, với tổng vốn đầu tư 513,18 triệu USD, đứng thứ 8 trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Thein Sein nhất trí hai nước phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2015); thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có việc sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 7 Tham khảo Chính trị và Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Myanmar trong năm 2015. Tổng thống Thein Sein khẳng định Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí về việc hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc, cũng như trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng như ACMECS, CLMV, GMS và EWEC.
SGGP
– See more at: http://www.sggp.org.vn/vietnamvathegioi/2015/4/381839/#sthash.hjzjk7a6.dpuf
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.