Vỡ òa cảm xúc ngày 30-4 lịch sử

Không ai có thể quên được thời khắc lịch sử vĩ đại khi lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975

Không khí hào hùng, oanh liệt của những ngày tháng 4 lịch sử như được tái hiện vào chiều 27-4 khi Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức họp mặt các nhân chứng lịch sử 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Thống Nhất – nơi đánh dấu mốc son chói lọi của dân tộc: Miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất.

Sung sướng, hạnh phúc tột cùng

Không hẹn mà gặp, cảm xúc mãnh liệt của cuộc tấn công thần tốc, táo bạo 40 năm trước ùa về, hiện rõ trên khuôn mặt những người lính tham gia 5 cánh quân năm xưa. Nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, Đại tá Nguyễn Văn Pháp, tham gia cánh quân hướng Bắc thuộc Quân đoàn 1, xúc động: “Khi thấy cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, tôi đã òa khóc. Tôi  khóc vì quá sung sướng, quá hạnh phúc bởi mong muốn tột cùng của người chiến sĩ cách mạng là thống nhất hai miền Nam – Bắc đã thành hiện thực”.

Còn ông Đặng Khắc Thỏa, cánh quân hướng Tây Nam, không giấu được niềm tự hào khi được tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Tôi thấy mình may mắn khi có mặt ở thời khắc lịch sử của dân tộc. Lúc đó ai cũng vỡ òa trong tin vui chiến thắng, quên hết nhọc nhằn, gian khổ mấy mươi năm”.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân trao đổi cùng các nhân chứng lịch sửẢnh: Hoàng Triều
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân trao đổi cùng các nhân chứng lịch sử   Ảnh: Hoàng Triều

Là người trong cuộc, Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, chia sẻ: Nhìn lại thời gian 40 năm khôi phục, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – đỉnh cao là trận quyết chiến – chiến lược mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. “Đây là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta” – Thiếu tướng Vũ Văn Thược khẳng định.

Thiếu tướng Vũ Văn Thược nói: “Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng mang biển số 390 đã húc đổ cánh cổng sắt trước cửa Dinh Độc Lập, trung úy Bùi Quang Thận tiến lên cắm lá cờ cách mạng trên nóc dinh. Trong suốt cuộc đời mình, những người tham gia 5 cánh quân chắc chắn không bao giờ quên thời khắc lịch sử vĩ đại này”.

Một ngày bằng 20 năm

Tham dự buổi họp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải không giấu được niềm xúc động. Bằng tất cả những tình cảm sâu đậm, quý mến cùng với niềm tự hào, Bí thư Lê Thanh Hải thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM bày tỏ lòng biết ơn, đời đời ghi tâm khắc cốt công lao trời biển của Bác Hồ, của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các mẹ Việt Nam anh hùng cũng như những nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Đảng bộ, nhân dân TP HCM mãi khắc ghi, tâm niệm trong mỗi chiến công, thành tựu của TP đều có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước” – ông Lê Thanh Hải khẳng định.

Nhắc lại những ngày tháng 4 lịch sử 40 năm trước, Bí thư Lê Thanh Hải nhìn nhận: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Ta càng đánh càng mạnh, thể hiện sâu sắc tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Đảng ta, nhất là trong việc tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công do kết hợp đúng đắn, tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy”.

Bài học về lòng dân

Tiếp nối những truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, Bí thư Lê Thanh Hải cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã không ngừng nỗ lực, dẫu không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí là va vấp nhưng đến nay TP HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

“Từ bài học xây dựng “căn cứ lòng dân” trong kháng chiến, Thành ủy luôn chú trọng thực hiện chính sách thuận lòng dân, an dân; lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, xây dựng thế trận lòng dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy sức mạnh tổng hợp. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân” – ông Hải nhấn mạnh.

Luôn nhắc nhở về nguồn cội

Chứng kiến cuộc hội ngộ của những nhân chứng lịch sử, TS Huỳnh Thị Hồng Gấm, công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện Từ Dũ, bày tỏ: “Ngưỡng mộ các cô chú vô cùng!”.

TS Hồng Gấm cho biết tuy lớn lên trong hòa bình nhưng qua những bài học lịch sử, những câu chuyện oai hùng của thế hệ cha ông đã luôn nhắc nhở chị về nguồn cội của mình.  TS Hồng Gấm ý thức rằng các thế hệ đi trước đã làm tròn nghĩa vụ dựng nước và giữ nước thì hôm nay lớp trẻ phải góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. “Tôi sẽ luôn ý thức rèn luyện y đức, cái tâm nghề nghiệp bằng chính những công việc cụ thể hằng ngày, làm việc với tinh thần cao nhất, xem nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình” –  TS Hồng Gấm hứa.

Nguồn Người Lao Động