Điều ước 1-5

Hôm nay là 1-5, ngày của những người lao động trên toàn thế giới. Cách đây 129 năm, ngày 1-5-1886, do yêu sách “ngày làm việc 8 giờ” không được đáp ứng đầy đủ, giới công nhân (CN) trên toàn nước Mỹ đã bãi công.

CN không đến nhà máy mà tổ chức mít-tinh, tuần hành, giương cao khẩu hiệu “Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Bắt đầu từ TP Chicago, bang Illinois, cuộc đấu tranh đã lan khắp các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ.

1

Dù bị đàn áp đẫm máu, hàng trăm CN chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt nhưng cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, buộc giới chủ phải công nhận chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của CN Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trở thành mốc son trong lịch sử giai cấp CN và phong trào Công đoàn tiến bộ quốc tế. Ngày 1-5 đã được Quốc tế Cộng sản II chọn làm ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp CN, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của CN và nhân dân lao động toàn thế giới.

Tại Việt Nam, ngày 1-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố ngày Quốc tế Lao động 1-5 là một trong những ngày lễ lớn của đất nước. Từ đó, 1-5 chính thức trở thành ngày hội của triệu triệu người lao động Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, giai cấp CN Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 11 triệu lao động làm việc trong khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Lực lượng này góp phần to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Điều này được thấy rõ qua số liệu của Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động (NSLĐ) xã hội năm 2014 của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam ước đạt 74,3 triệu đồng/lao động (khoảng 3.515 USD/lao động); trong đó NSLĐ khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng/lao động (bằng 38,9% mức NSLĐ chung); khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 133,4 triệu đồng/lao động (gấp 1,8 lần); khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng/lao động (gấp 1,36 lần mức NSLĐ chung). Rõ ràng, dù NSLĐ vẫn chưa như mong muốn nhưng với điều kiện hiện tại của nền kinh tế, nỗ lực vượt bậc ấy của đội ngũ CN lao động xứng đáng được ghi nhận.

Tuy vậy, đó không phải mục đích chúng ta muốn vươn tới. Dù kinh tế có phát triển nhưng kinh tế tri thức vẫn còn xa vời. Những ngành nghề thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu “lấy công làm lời” vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Chính vì thế mà đội ngũ CN và những người lao động Việt Nam đang phải làm việc với cường độ cao nhưng tiền lương, thu nhập thấp; đời sống khó khăn. Trong khi người lao động ở nhiều nước trên thế giới làm việc dưới 35 giờ/tuần (ví dụ Hà Lan 29 giờ/tuần;  Đan Mạch, Na Uy, Ai Len, Đức, Thụy Sĩ và Bỉ ít hơn 35 giờ/tuần…) thì tại Việt Nam, nhiều nơi CN trực tiếp sản xuất phải làm việc đến cạn kiệt sức lực từ 60-84 giờ/tuần. “Nếu có một điều ước trong ngày Quốc tế Lao động năm nay, tôi ước không người thợ nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày. Ước thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi như cách nay 129 năm, những người thợ ở Chicago đã nêu ra” – chị Lê Thị Lan, quản đốc xưởng Công ty Thủy sản S.G (quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ.

Đó không chỉ là điều ước mà còn là lời nhắc nhở…

Người lao động