Khởi động dự án trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn

Nhằm hiện thực hóa biên bản ghi nhớ giữa 2 chính phủ Ấn Độ và Việt Nam vào tháng 10/2014, những ngày qua, Đoàn chuyên gia do Tổng giám đốc Cơ quan khảo cổ Ấn Độ Rakesh Tewari dẫn đầu đã có chuyến khảo sát nghiên cứu tại Mỹ Sơn để chuẩn bị cho việc lập kế hoạch trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn thời gian tới.

Kiến trúc tương đồng

Ba công trình kiến trúc được các chuyên gia Ấn Độ đặc biệt quan tâm trong chuyến khảo sát lần này gồm nhóm tháp K,H và A, những nơi được xem là chịu tác động nhiều nhất trong chiến tranh cũng như chưa từng bị can thiệp kỹ thuật kể từ sau ngày sụp đổ đến nay. Tại nhóm tháp K (thế kỷ 12), hiện trạng chỉ còn 2 mảng tường phía bắc và phía nam cao khoảng 4m, chân đế bị phủ một lớp gạch đổ, ngoài phần tường đã rạn nứt thì phần lõi của tường tháp cũng bị bong tróc rất nhiều. Tương tự, nhóm tháp H (thế kỷ 13), trước đây gồm 4 tháp nhưng đã bị bom đánh sập hoàn toàn, vết tích sót lại ngày nay là một mảng tường của tháp H1 cao khoảng 6m, những tháp khác hầu hết đã bị đổ ngã thành những gò ụ cao từ 1- 2m. Tuy nhiên, khu phế tích có quy mô rộng lớn nhất phải kể đến nhóm tháp A với 13 đền tháp, nhưng nay chỉ còn 6 phế tích gồm A1, A8, A10, A11, A12 và A13. Trong đó, ngôi đền tháp trung tâm A1 được xem là một kiệt tác về hoa văn, kiến trúc, hiện trạng ngày nay chỉ là phần dưới thân tháp cao khoảng 2- 5m nhưng cũng bị rạn nứt nghiêm trọng, riêng chân đế đã bị vùi lấp bởi gạch đá lẫn lộn do tháp đổ xuống gây nên, năm phế tích xung quanh là A8, A10, A11, A12 và A13 hầu hết cũng đã bị hư hại sụp đổ không còn nguyên vẹn.

 Việc triển khai trùng tu tháp A1
đầu tiên đang nhận được ý kiến trái chiều từ các nhà bảo tồn

Ông Rakesh Tewari – Tổng giám đốc Cơ quan khảo cổ Ấn Độ cho biết, từ năm 2010 các chuyên gia Ấn Độ đã đến Mỹ Sơn tìm hiểu, nghiên cứu về khu đền tháp và rất ấn tượng với các di tích cũng như hệ động thực vật nơi đây. Đặc biệt, kiến trúc Mỹ Sơn cũng rất tương đồng với các đền tháp ở Ấn Độ và một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar, Nepal… nơi các chuyên gia Ấn Độ đang làm việc nên sẽ thuận lợi khi triển khai dự án. “Qua chuyến khảo sát lần này, dù hầu hết công trình đã bị phá hủy nhưng điều may mắn là tư liệu về những đền tháp còn tương đối nên sẽ thuận lợi trong việc nghiên cứu, lập kế hoạch trùng tu. Chúng tôi tin là sẽ thực hiện thành công công việc bảo tồn các đền tháp tại Mỹ Sơn”, ông Rakesh Tewari khẳng định. Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, khoảng đầu tháng 6 sẽ có một đoàn chuyên gia từ Ấn Độ sang làm việc tại Mỹ Sơn trong thời gian một tháng để thu thập tư liệu về những đền tháp, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như nghiên cứu đo, vẽ chi tiết các nhóm tháp K,H,A trước khi xây dựng kế hoạch cụ thể trình lên chính phủ phê duyệt triển khai. “Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến khoảng tháng 2.2016 dự án sẽ triển khai và kéo dài trong vòng 5 năm”, ông Rakesh Tewari cho biết.

Bắt đầu từ nhóm A

Trong số 3 nhóm tháp mà các chuyên gia Ấn Độ chọn đề xuất trùng tu, nhóm tháp A, nhất là tháp A1 được quan tâm hơn cả vì đây không chỉ là một kiến trúc đẹp nhất từng tồn tại ở Mỹ Sơn mà còn hội tụ những trình độ kỹ thuật cao. Theo ông Rakesh Tewari, nhóm tháp A rất quan trọng và mang tính biểu tượng đặc biệt nên việc trùng tu tháp A1 sẽ vừa là vinh dự nhưng cũng là thử thách đầu tiên trong sự hợp tác bảo tồn các đền tháp tại Mỹ Sơn và Việt Nam sau này, vì vậy thời gian tới khi các chuyên gia Ấn Độ sang sẽ tập trung nghiên cứu để lập kế hoạch khoa học, cụ thể trước khi tiến hành bảo tồn ngôi tháp này. “Tôi biết tại Mỹ Sơn thời gian qua cũng đã có nhiều phương pháp trùng tu khác nhau như Ba Lan, Ý, Việt Nam…. Tuy vậy, bên cạnh tận dụng những kinh nghiệm đi trước, chúng tôi cũng sẽ có những giải pháp riêng của mình dựa trên cơ sở kinh nghiệm đã có trong việc trùng tu các tháp gạch ở Ấn Độ và nhiều nước khác nên tôi tin là công việc bảo tồn những ngôi đền ở Mỹ Sơn sẽ thành công”, ông Rakesh Tewari chia sẻ.

 Nhóm tháp K Mỹ Sơn

Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia bảo tồn cũng như lãnh đạo Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, việc tiến hành trùng tu tháp A1 đầu tiên sẽ rất mạo hiểm nên tạm thời chưa vội can thiệp vào khu A mà nên triển khai khảo cổ, trùng tu nhóm K trước rồi đến nhóm H, sau khi trùng tu xong 2 nhóm tháp này mới tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, khai quật và trùng tu khu tháp A, cụ thể là kiệt tác A1. “Quan điểm của tôi là nên làm nhóm K đầu tiên vì quy mô cũng tương đối nhỏ và đơn giản, đặc biêt đây là ngôi tháp chưa có ai làm trước đây”, một chuyên gia bảo tồn nói. Thực tế, những lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở, dù kinh nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ trong việc trùng tu các tháp gạch là điều không phủ nhận nhưng với kiệt tác A1 thì phải cần cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam, việc trùng tu nhóm tháp A mới chỉ là đề xuất ban đầu còn khi triển khai sẽ có sự bàn bạc phối hợp cụ thể để có những bước đi chắc chắn. “Ban đầu bên Ấn Độ chỉ đề xuất làm 2 nhóm H và K nhưng tỉnh đề nghị nên đưa thêm nhóm A vào dự án. Còn nói trùng tu nhóm A trước không có nghĩa là chọn ngay A1 vì nhóm A còn nhiều phế tích khác, cái này Ban điều phối tỉnh sẽ cùng tư vấn phối hợp với chuyên gia Ấn Độ để chọn lựa tháp nào phù hợp nhất trước khi tiến hành can thiệp”, ông Hài nói.

Dù mới chỉ là bước đi đầu tiên trước khi triển khai dự án cụ thể nhưng vẫn có thể tin tưởng về một tương lai tốt hơn cho Mỹ Sơn, nhất là các nhóm tháp H,K,A. Đặc biệt, việc triển khai dự án cũng sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác quốc tế mới với nhiều tổ chức, chính phủ khác trong việc bảo tồn các đền tháp không chỉ ở Mỹ Sơn mà mở rộng ra các di tích trên địa bàn tỉnh những năm đến.