Bài báo hay – nhờ cách khai thác tài liệu
Làm báo, ai cũng hiểu: Không có tư liệu tốt không thể sáng tạo nên một bài báo hay. Nói vậy nhiều đồng nghiệp cũng lăn tăn: Sự thật, có người ngồi nhà viết tin, làm phóng sự – điều tra, phản ánh… vẫn đoạt giải cao trong những cuộc thi báo chí… Ấy là cái cách họ khai thái thông tin từ tài liệu (Văn bản báo cáo, tổng kết), họ vẫn dẫn lời ông nọ bà kia (nguồn từ hội nghị, từ tin tức đã đăng tải trên các báo khác)… Đấy là cái cách “ăn sẵn”, quen dần thành lười nhác.
Làm tin, viết phóng sư, điều tra, phản ánh… nhất thiết phải dấn thân vào thực tế, đối diện với sự việc, với vấn đề đã và đang diễn ra… Về điều này thì các nhà báo lớp trước nhớ lắm, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, chúng phong tỏa vịnh Bắc Bộ, phóng viên Hãng tin phương Tây, không thể tiếp cận trực tiếp sự việc ở Vịnh Bắc bộ, đã đưa tin gián tiếp bằng cách quan sát trên các chợ của thủ đô Hà Nội, họ vẫn nhận rõ bản chất cốt lõi của sự kiện mới mà nhiều người cần biết, bằng dòng tin ngắn: “Sau 3 ngày Mỹ phong tỏa vịnh Bắc Bộ, các chợ ngoại thành và nội thành của thủ đô Hà Nội không thấy có cá biển tươi bán, thậm chí cũng không thấy cá ướp đá như mọi khi, chỉ có cá biển khô bày trên các sạp”. Đó là cái tài của nhà báo…
Lại nhớ, hơn mười năm trước, các phương tiện báo chí Trung ương ào ạt đưa tin người dân xã nọ ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đua nhau chặt phá vải thiều vì kém hiệu quả. Lúc ấy nhà báo Hoàng Tiến – Tông biên tập Báo Bắc Giang cử phóng viên sành sỏi thể loại điều tra, tiếp cận sự việc, với mong muốn làm rõ sự kém hiệu quả của cây vải thiều, gây khốn đốn cho người dân. Nhà báo ấy vào xã theo “cổng sau”, sơ sảy đeo máy ảnh bên hông nên khi ra vườn vải trồng theo dự án, lũ trẻ đang nô đùa, bỗng khựng lại, giục nhau: “Nhà báo đến rồi. Chặt phá vải thôi, chúng mày ơi!”. Chi tiết ấy khiến nhà báo không thể làm ngơ: “Vì sao nhà báo đến các em mới chặt phá vải? Ai là người xui khiến các em?”. Bằng nghệ thuật tinh tế tiếp cận với trẻ thơ của mình, nhà báo đã có câu trả lời: “Do ông A. bà B. lãnh đạo xã xui bảo!…”. Lập tức, cuộc truy lùng bản chất vấn đề được xoay chiều. Kết cục, gốc gác là sự giành giật chức tước bên này bên kia khi đại hội – bầu bán chức vị cận kề. Cây vải thiều thành vật thí thân vào đúng lúc đang thưa hoa kém quả. Bên đeo đuổi dự án, chậm lời bảo vệ; bên hững hờ nhờ báo chí công phá… May mắn, bài điều tra trên Báo Bắc Giang đã bóc mẽ lòng dạ xấu xa của những người này. Lẽ phải được bảo vệ. Cây vải thiều được gìn giữ, thêm sáng giá là cây đặc sản, cây kinh tế của Lục Ngạn. Như thế – Nhà báo đâu phải kẻ a dua, ăn theo, nói leo!
Mới đây đọc trên Báo Phú Thọ, cứ ấn tượng mãi về một bài phóng sự – điều tra, có tiêu đề: Vì sao Thanh Sơn vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động trái phép? của Mai Phương (M.P). Xuất xứ để viết bài phóng sự-điều tra là vì hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn tới 73 lò gạch thủ công hoạt động trái phép. Riêng Thanh Sơn có tới 42 lò, tập trung nhiều ở thị trấn, huyện… Trong khi lộ trình xóa lò gạch thủ công của tỉnh phải hoàn tất trong năm 2010?
Với vỏ bọc khách hàng, M.P đi mua gạch về xây nhà văn hóa khu, “tiện thể” mua ít gạch về xây bếp và công trình phụ cho gia đình nên được chủ lò niềm nở đón tiếp. Miệng giới thiệu hàng, tay khoát chỉ: “Cô muốn bao nhiêu cũng có, giá 800-850 đồng/viên tùy loại A, B. Lấy ngay thì gọi xe chở!”. Thấy chủ lò quá nhiệt tình, M.P vội cầm viên gạch chê kích cỡ nhỏ, xây tốn vữa rất khó quyết toán với khu. Chủ lò thanh minh: “Gạch tốt nhưng khi nung hay ngót!”. Nói rồi, chị lôi tuột M.P xuống bãi gạch mộc mới đóng rồi kéo lên lò vừa đốt xong còn nóng hổi, giọng phân trần: Nào là đất nạc nung thường ngót, nào là cả làng đều làm một khuôn giống nhau!… M.P vội đón lời: “Sao bảo cấm đốt gạch thủ công mà nhà chị và các hộ vẫn đốt nhiều thế, chính quyền không biết à?”. Chủ lò thản nhiên: “Không đốt thì chúng tôi biết làm gì, lấy gì mà ăn, tất cả chỉ trông vào gạch. Mà cấm thì… từ năm ngoái đã cấm rồi, nhưng mình nói thật, làm trộm đấy, nhiều lúc làm như ăn cướp! Khi thấy ông ủy ban xuống thì giấu máy đi, xin đốt hết số gạch mộc trên sân rồi nghỉ. Các ông ấy chỉ nhắc nhở rồi bảo ký cam đoan. Thế thôi. Ai hơi đâu mà chờ mình đốt xong để dỡ lò! Bởi thế nên nhà nào cũng tranh thủ làm ngày làm đêm, 3-4 giờ sáng đã khua nhau dậy chạy máy đùn gạch, sáng ra xếp gọn, che đậy cẩn thận thì ai bắt bẻ nữa. Còn đốt lò thì đêm đêm mới nhóm!…”. Thì ra họ lách luật và lách cả sự không kiên quyết của chính quyền địa phương, kiểm tra vào ban ngày thì làm vào ban đêm. Khu Khánh hiện còn tới 15 lò gạch thủ công dã chiến. Để có đất làm gạch hầu hết các hộ đều tự khai thác ngay trong sân vườn. Đào đất sét tới đâu họ thuê xe chở đất đỏ về lấp ngay tới đó. Tuy nhiên không phải chỗ nào cũng được lấp đầy nên tạo thành những hố lởm chởm. Nhà đào hết đất thì họ mua tích đủ làm mùa nọ sang mua kia. Lý lẽ của họ là: “Việc mình mình làm, chính quyền còn ối việc! Có kiểm tra thì cũng chỉ đôi lời nhắc nhở. Tội gì chúng tôi bỏ. Mà bỏ thì chỉ có mà nhịn!”… Những tình tiết như thế tạo nên sức hấp dẫn của bài báo, thuyết phục chính quyền địa phương phải sâu sát, cụ thể, đừng chỉ lấy “chiếu chỉ” làm bùa hộ mệnh với những lời to tát: “Quyết tâm xóa…”, hết năm này nối sang năm khác. Và rồi, đâu vẫn nguyên đó!…
Bởi thế viết về gạch – gạch khô khốc, nhưng bài báo của M.P vẫn hấp dẫn, vẫn lôi cuốn người đọc cho tới dòng chữ cuối cùng. Gập trang báo lại, những tình tiết M.P viết cứ đọng mãi trong tôi.
Cho nên cái hay của bài báo, sức lưu giữ lâu bền và sức loan tỏa của bài báo có nhẽ phụ thuộc khá nhiều ở cái cách khai thác tài liệu của mỗi nhà báo. Ai nhạy cảm, ai tinh tế, ai chịu dấn mình vào cuộc sống thì viết dễ hay. Bạn đọc sẽ tin tưởng, mến mộ và nể trọng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.