Về vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí Việt Nam

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí Việt Nam vừa chịu sự tác động từ các thiết chế xã hội mà nó làm công cụ, vừa chịu sự tác động của công chúng báo chí. Với thông tin nhanh chóng, chính xác, trung thực, khách quan và đa chiều, báo chí Việt Nam đã trở thành diễn đàn của đông đảo quần chúng nhân dân, là nơi trao đổi ý kiến, luận bàn các vấn đề quan trọng của cuộc sống, để vừa giám sát, vừa phản biện hoạt động của các cơ quan công quyền nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Phóng viên tác nghiệp

Báo chí với chức năng giám sát, phản biện xã hội

Phản biện và tự phản biện là “cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên… Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát – mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội”(1). 

Thuật ngữ “phản biện xã hội” được sử dụng chính thức trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó, phản biện xã hội là “phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan”(2).

Giám sát xã hội và phản biện xã hội là hai khái niệm chức năng gắn bó mật thiết vì chỉ giám sát một cách nghiêm túc mới có thông tin đầy đủ và thấu đáo làm tiền đề cho phản biện. Giám sát xã hội của báo chí thực chất là giám sát bằng dư luận xã hội. Qua giám sát, theo dõi một cách khách quan và có định hướng mà báo chí thể hiện vai trò phản biện xã hội của mình. Nếu phản biện khoa học là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học, thì trong đời sống xã hội, phản biện xã hội là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ.

Sứ mạng của báo chí trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Xã hội càng hiện đại, việc phổ biến thông tin trên quy mô đại chúng càng trở nên quan trọng, và vì vậy, sự phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội càng trở nên chặt chẽ. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bằng cách này hay cách khác, hoạt động phản biện luôn chứa đựng khả năng tạo ra một trường tương tác xã hội giữa 3 nhóm cộng đồng, đó là cộng đồng trí thức (phát hiện và lý giải vấn đề), cộng đồng truyền thông (phổ biến, chuyển tải thông tin) và cộng đồng xã hội (hưởng ứng thông tin và hình thành dư luận)(3).

Thông qua báo chí, người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó, thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình. Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và niềm tin của công chúng đối với cơ quan truyền thông cũng được nâng lên.

Hệ thống báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 2-2013, Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình (2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài cấp tỉnh); trong lĩnh vực thông tin điện tử, có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước có gần 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ, trên 19.000 hội viên hội nhà báo(4). Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng mạng lưới thông tin khách quan, dân chủ và rộng rãi trong toàn xã hội. Trong vai trò giám sát và phản biện của mình, báo chí không chỉ thông tin mà còn phải thể hiện chính kiến, quan điểm của mình đối với các vấn đề của cuộc sống.

Trong suốt chiều dài lịch sử đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc, báo chí Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò là một lực lượng cách mạng quan trọng, góp phần đắc lực cho mỗi bước thành công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu của thực tiễn đã đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam phát triển chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Tại Đại hội Đảng XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Trong Nghị quyết Đại hội, về phát triển hệ thống thông tin đại chúng, nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…”(5).

Cơ chế và nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội của báo chí

Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trước hết ở việc cung cấp thông tin chân thực, khách quan theo cả hai chiều, từ chủ thể quản lý đến khách thể quản lý và ngược lại. Họat động quản lý có hiệu quả hay không, phụ thuộc nhiều vào tính chất, số lượng và chất lượng thông tin hai chiều liên tục này. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cần phải tuân thủ một hệ thống các nguyên tắc là cơ sở phương pháp luận cho họat động báo chí, là chuẩn mực nghề nghiệp và cũng là nền tảng cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, trong đó nổi bật nhất là tính chân thật, khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu.

Tính chân thật, khách quan là đặc trưng, đặc điểm, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò quản lý xã hội thông qua hoạt động phản biện và giám sát xã hội. V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh: Sự thật là sức mạnh của báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Người cho rằng, báo chí muốn thuyết phục được công chúng thì phải mang tính chân thực cao, cán bộ báo chí “viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào?, kết quả thế nào?”… “Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô?, Lãng phí cách thế nào? ngày, tháng nào,v.v.. Chớ viết lung tung”(6).

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng yêu cầu báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. Nhìn thẳng vào sự thật để giám sát và phản biện xã hội có nghĩa là báo chí phải đưa tin cả về những thành công cũng như những hạn chế, khó khăn, thất bại. Đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đòi hỏi người viết phải có phương hướng và năng lực tư duy để có thể trình bày một cách chân thực và đi đến bản chất của thông tin sự việc. Có thể nói, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật là sự cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí.

Áp lực của người làm báo là phải có tin nhanh, tin nóng, tuy nhiên, thông tin báo chí phải chính xác, phải lột tả được bản chất của sự thật, việc này đòi hỏi người làm báo phải có trình độ nghiệp vụ và lao động nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Làm báo trong cơ chế thị trường, nếu không nêu cao đạo đức nghề nghiệp, sẽ làm sai lệch thông tin, xuyên tạc, bịa đặt, dẫn đến vi phạm pháp luật. Riêng năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo, đa phần vì lỗi đăng tải thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ.

Tính công khai, công cộng là một xu thế tất yếu, là biểu hiện quan trọng của nền dân chủ, trong đó có quyền được thông tin và tự do ngôn luận được khẳng định rất rõ tại Lời mở đầu của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (năm 1999). Ý kiến trên báo chí có thể được nhiều người thảo luận, bàn cãi từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, vì báo chí có tác động trực tiếp và mạnh mẽ, rộng lớn và nhanh chóng trong việc hình thành dư luận xã hội, nên tính công khai cần được lưu ý trên 2 khía cạnh: một là, nói rõ sự thật sau khi đã đánh giá đúng bản chất; hai là, nói rõ sự thật để góp phần xây dựng dư luận xã hội lành mạnh. Báo chí không được công khai dẫn tới lộ bí mật quốc gia, tạo nên mối hoài nghi cho công chúng, hay tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng. Nhưng cũng không thể chấp nhận việc vin vào lý do “muốn dư luận xã hội lành mạnh, yên ổn” để hạn chế tính công khai của báo chí.

Tính đại chúng của báo chí được thể hiện ở việc, thông tin báo chí tác động tới xã hội rộng rãi, bao gồm các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau, nhu cầu thông tin của công chúng được ưu tiên bảo đảm và là thước đo trình độ, năng lực của hoạt động thông tin báo chí. Đồng thời, báo chí cũng là diễn đàn của nhân dân và phải phù hợp với trình độ của công chúng tiếp nhận. Công chúng không chỉ muốn tiếp nhận thông tin từ báo chí một cách thụ động, mà còn tương tác, phản hồi thông tin mạnh mẽ. Chức năng giáo dục của báo chí ngày càng được đề cao, giáo dục để góp phần nâng cao dân trí; nâng cao trình độ tương tác và tính chính xác của thông tin phản hồi; từ đó, môi trường của sự giám sát, phản biện xã hội trong báo chí và dư luận xã hội sẽ trở nên lành mạnh và hiệu quả hơn.

Tính chiến đấu là một trong những nguyên tắc quan trọng của báo chí Việt Nam. Tính chiến đấu của báo chí được thể hiện trên cả hai mặt: biểu dương và phê bình. Báo chí ủng hộ chủ trương xóa bỏ quan liêu bao cấp, cải cách hành chính, ủng hộ lối sống có lý tưởng lành mạnh, sáng tạo, năng động, có ý thức xây dựng tập thể và đất nước đồng thời đấu tranh chống lại cách làm thụ động, trì trệ, hình thức chủ nghĩa, hiệu quả thấp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn bị truy tố xét xử trong những năm qua được bắt nguồn từ thông tin trên báo chí. Điển hình như vụ tham nhũng của Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm tại Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp – công nghiệp thực phẩm, vụ băng nhóm tội phạm Năm Cam, hay vụ PMU18 phanh phui một loạt các vụ việc phạm pháp của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Bộ Giao thông – Vận tải, và gần đây nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), giải tỏa ở Văn Giang (Hưng Yên)…

Tinh thần chống tiêu cực trên báo chí là “chống để xây”. Nhưng không chỉ chống tiêu cực mới là phản biện xã hội, báo chí cần đề cao những nhân tố mới, những gương “người tốt, việc tốt” điển hình trên tất cả các lĩnh vực để động viên tinh thần và cân bằng xã hội. Xã hội có rất nhiều điều tốt đẹp, tích cực cần nhân rộng và báo chí cần thông tin trung thực để kích thích phát triển phần tốt đẹp trong xã hội.

Giải pháp để báo chí thực hiện tốt chức năng phản biện, giám sát xã hội

Thứ nhất, tăng cường hiệu lực thi hành của pháp luật, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình.

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(7). Trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (năm 1965) Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết…”(8).

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ban hành nhiều văn bản quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Báo chí vẫn có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, nhất là khi thực hiện những tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực. Năm 2012, Dự án “Nghiên cứu truyền thông: các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thực hiện, đã đưa ra kết quả 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, đa phần trong số họ là các nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đấu tranh chống tham nhũng. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, đã có khoảng 40 vụ nhà báo bị hành hung. Do vậy, các cấp lãnh đạo cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm Luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.

Thứ hai, coi trọng việc nâng cao dân trí và thúc đẩy mọi hình thức phát huy quyền dân chủ của nhân dân một cách công khai, minh bạch.

Ngày 21-7-1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đóquyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”(9).

Để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò của phản biện xã hội trên báo chí, những người tham gia ý kiến phản biện cần có trí tuệ khoa học, tinh thần thiện chí, thái độ xây dựng, nhận định và đánh giá sự kiện, vấn đề vì lợi ích chung của toàn xã hội. Nâng cao dân trí, do đó, trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Nâng cao dân trí là nâng tầm tri thức, để công chúng có khả năng hiểu và tham gia sâu rộng hơn đến các vấn đề xã hội, tạo dựng bầu không khí dân chủ, công khai, xây dựng tiền đề hiệu quả cao cho giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, người làm báo nâng tầm tri thức để nhìn nhận, đánh giá sự việc thấu đáo, tổ chức thông tin chính xác và định hướng dư luận đúng đắn, phù hợp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí. Báo chí thực hiện chức năng giám sát xã hội thông qua các kênh thông tin và bằng chuyên môn nghiệp vụ.

Báo chí là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Báo chí là một lực lượng rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội trong tiến trình xây dựng một xã hội thực sự dân chủ. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mỗi thông tin trên báo chí đều có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị thế, diện mạo của quốc gia, dân tộc. Do đó, mọi sự phản biện xã hội trên báo chí, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo Việt Nam vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Báo chí cần thực hiện nhiệm vụ là kênh thông tin hữu ích giúp Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, lấy mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm hành động và điều này cần thể hiện ở mọi nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

————————————————-

(1) Trần Đăng Tuấn: Phản biện xã hội – câu hỏi đặt ra từ cuộc sống, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 9 – 10

(2) Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 182

(3) Phạm Quang Tú, Đặng Hoàng Giang: Phản biện xã hội: khái niệm, chức năng và điều kiện hình thành, Tạp chí Tia sáng, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=5004&CategoryID=42

(4) Xem: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Trien-khai-cong-tac-bao-chi-nam-2013/20133/164367.vgp

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 225.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 120.

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 616.

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 441.

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr. 216 .

Đặng Thị Thu Hương
TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội
Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản điện tử