Để báo chí địa phương phát triển theo hướng hiện đại
Trong xu thế toàn cầu hóa thông tin hiện nay, khoa học – kỹ thuật tiên tiến phát triển như vũ bão, việc ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào tác nghiệp báo chí được làm thường xuyên liên tục. Cùng với báo chí cả nước, các cơ quan báo, đài địa phương cũng không ngừng được tăng cường cả về chất và lượng.
Bạn đọc với Báo Thanh Hóa. – http://doanhnhanxuthanh.vn |
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì báo chí địa phương vẫn còn những bất cập, hạn chế, đó là:
Thứ nhất, về nội dung. Chất lượng thông tin còn thấp, tính định hướng, tính dự báo và tính chiến đấu chưa cao, phần lớn vẫn còn thông tin một chiều, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế. Nhiều tác phẩm báo chí của các nhà báo ít thay đổi lối thể hiện theo phong cách làm báo hiện đại, thường rập khuôn theo lối mòn, gây nhàm chán, tẻ nhạt cho độc giả. Chưa có nhiều bài báo hay, gây tiếng vang trong dư luận xã hội. Sự phản biện xã hội rất ít gặp ở báo chí địa phương.
Thứ hai, về hình thức. Hầu như cách viết và trình bày các bài báo, các chương trình phát thanh, truyền hình vẫn theo phong cách làm báo truyền thống, vừa khô cứng, vừa dài dòng, ít thuyết phục người đọc, chưa tiếp cận được nhiều phong cách làm báo hiện đại, chưa có kiến thức về viết báo, trình bày báo theo thuyết “nhiều cửa”… hầu hết các số báo cứ lặp đi lặp lại một kiểu trình bày cũ. Do đó, số lượng phát hành còn thấp (thường khoảng từ 7-8 nghìn tờ/kỳ, riêng chỉ một số tỉnh đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An đạt hơn 11 nghìn tờ/kỳ), chưa có hệ thống bán lẻ báo. Lượng khán giả đón xem, nghe chương trình của Đài PTTH địa phương chưa nhiều so với các chương trình khác. Báo điện tử các tỉnh hiện đăng tải gần như 100% nội dung của báo in. Do đăng lại “nguyên xi” báo in nên chưa đáp ứng được nhu cầu thời sự, chưa chinh phục công chúng.
Thứ ba, về nguồn nhân lực. Các cơ quan báo chí địa phương với đội ngũ hiện có cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, như phần lớn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tuy được đào tạo cơ bản, song chưa được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt thường xuyên, nhất là trình độ nghiệp vụ làm báo hiện đại. Số phóng viên, biên tập viên được đào tạo cơ bản chưa nhiều, số người có bằng cử nhân báo chí còn ít so với các chuyên ngành khác; đội ngũ nhà báo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ còn ít.
Thứ tư, về cơ sở vật chất, phương tiện. Nhìn chung điều kiện trang thiết bị để cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm việc của các cơ quan báo chí đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tác phẩm báo chí. Việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện hành nghề vẫn còn quá ít ỏi, hiện nay các nhà báo tác nghiệp chủ yếu vẫn “tự trang bị” là chính.
Thứ năm, về chế độ, chính sách. Mặc dù các tỉnh, thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong việc quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người làm báo, nhưng tổng thể thì vẫn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời. Chưa có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ cộng tác viên trí tuệ là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Hơn nữa, các cơ quan báo chí do khung biên chế có hạn, nên hàng năm muốn tuyển dụng bổ sung phóng viên đã tốt nghiệp đại học báo chí cũng khó khăn.
Thực tế đã cho thấy, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng báo chí phải bắt đầu đổi mới từ các cơ quan báo chí, đó là một tất yếu khách quan, vì nếu tự thân mỗi cơ quan báo chí không tự đổi mới mình thì cũng chỉ là hô hào chung chung. Trong mỗi cơ quan báo chí, từng nhà báo lại phải tự đổi mới mình, tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thường xuyên được đào tạo, đào tạo lại, tự đào tạo, liên tục trang bị kiến thức mới để từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Người làm báo dù là đã hành nghề lâu năm nhưng nếu không tự rèn luyện, tự học hỏi, không được thường xuyên trang bị kiến thức mới sẽ không đủ khả năng cắt nghĩa được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống và vì thế không thể thông tin chính xác những tri thức mới đến nhân dân, đến bạn đọc.
Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết phải biết lựa chọn, đề cập đúng những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra với sự chắt lọc từ bên trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu với sự đầu tư trí tuệ của người viết, bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả. Ngược lại, nếu một bài báo thiếu trách nhiệm, kém sinh động, không hấp dẫn, tẻ nhạt sẽ tạo cho độc giả sự lãnh đạm, thờ ơ, sẽ làm cho vai trò của báo chí là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân bị suy giảm, thậm chí đánh mất vai trò đó.
Chính vì vậy, chất lượng báo chí có được nâng cao hay không là một vấn đề hệ trọng, mà điểm bắt đầu là từ đổi mới, nâng cao chất lượng những người làm báo. Đó là một tất yếu khách quan.
Yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí địa phương là phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là công tác đào tạo và đào tạo lại. Chú trọng về kiến thức chuyên ngành, về kinh tế, về nghiệp vụ báo chí… Việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có thể được tiến hành bằng nhiều cách: cử đi tham dự các lớp đào tạo dài ngày, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, dự hội thảo, v.v… Tổ chức nhiều hình thức để khuyến khích, tạo cơ hội cho cán bộ trong tòa soạn tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm.
Đối với công tác đào tạo, cần nhanh chóng rà soát lại đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phân loại để có hướng bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại. Với những người đã làm báo trên 15 năm cần phải được đào tạo lại, vì làm báo hiện nay trong một môi trường toàn cầu hóa thông tin, xã hội biến chuyển không ngừng, khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, tư duy của con người năng động, sáng tạo, phong cách làm báo hiện đại, liên tục đổi mới, sáng tạo… nếu nhà báo không đổi mới, không được trang bị kiến thức, nghiệp vụ mới sẽ rất dễ sa vào lối mòn, rập khuôn.
Ngoài việc bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần chú trọng đến công tác đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ phóng viên trẻ. Bởi vì chính đội ngũ có trình độ cao này sẽ là “sức bật”, là điểm tựa để đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của các tờ báo, ấn phẩm báo chí. Mặt khác, ngay đối với đội ngũ ban biên tập, ban giám đốc các cơ quan báo, đài trong tỉnh cũng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phải có bằng từ thạc sĩ chuyên ngành trở lên. Tránh tình trạng hiện nay lãnh đạo các cơ quan báo chí mới chỉ ở trình độ đại học (lại đã được đào tạo từ lâu), nên việc tiếp nhận những khoa học tiên tiến, những phương pháp làm báo hiện đại rất hạn chế. Đã đến lúc tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm vào các chức danh tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc đài Phát thanh – Truyền hình phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trên đại học.
Lực lượng phóng viên được phân công viết về lĩnh vực nào phải được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực đó, nghĩa là phải nắm được đặc thù của ngành đó, địa phương đó, hiểu và sử dụng chuẩn xác được các thuật ngữ chuyên ngành. Phóng viên viết về đề tài miền núi, về vùng đồng bào dân tộc ít người đòi hỏi phải am hiểu phong tục, tập quán, phải bám sát cơ sở mới có được những số liệu chính xác, xác thực, bài viết mới hấp dẫn, thuyết phục được người đọc, người nghe và người xem.
Đặc biệt, cần quan tâm đến việc tuyển dụng những phóng viên trẻ là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học. Đối với đối tượng này thường thiếu một số tiêu chí, như có năng lực, sở trường viết báo nhưng lại không phải đại học chuyên ngành, điểm thi tuyển dụng thường bị thấp hơn các đối tượng khác… Do đó, nếu hội đồng tuyển dụng không quan tâm ngay từ đầu sẽ không tiếp nhận được đối tượng này.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, xu thế toàn cầu hóa thông tin, ngồi một chỗ nhà báo có thể truy cập mạng Internet khai thác tin nóng hổi vừa xảy ra hoặc đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Do đó, nhà báo phải có kiến thức vững vàng về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật phục vụ tác nghiệp. Thực tế cho thấy, ngoại ngữ là phương tiện quan trọng giúp nhà báo khai thác các nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài, mở mang tri thức mọi mặt, học hỏi kinh nghiệm của báo chí thế giới, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp; qua đó, hội nhập hiệu quả và đạt tới đẳng cấp quốc tế. Đây là một yêu cầu phải bắt buộc có đối với nhà báo. Yêu cầu này nên đưa vào tiêu chí để đánh giá bình xét cán bộ, công chức hàng năm.
Hằng năm, cần có kế hoạch cử họa sĩ trình bày maquette báo, phóng viên đi tập huấn phương pháp trình bày báo mới, hiện đại, xu thế nhiều cửa… để từng bước nâng cao hình thức tờ báo, hấp dẫn bạn đọc, có như vậy mới góp phần để tăng số lượng phát hành tờ báo.
Hiện nay báo đảng địa phương hầu hết đã có cả ấn phẩm báo in, báo điện tử, việc làm báo đa loại hình, đa phương tiện đã trở thành tất yếu, thì các phóng viên, biên tập viên về mặt chuyên môn nghiệp vụ phải là người “đa chức năng”. Nếu như trước đây, anh ta có thể là nhà báo chỉ chuyên về chụp ảnh, hoặc chỉ chuyên về viết tin, bài cho báo in… thì nay phải biết quay video clip, biết chụp ảnh, vừa viết bài, vừa dàn dựng, lồng ghép âm thanh, v.v…
Muốn được như vậy, ban biên tập, ban giám đốc các cơ quan báo, đài phải xác định công tác đào tạo, đào tạo lại, tự đào tạo là việc làm thường xuyên, liên tục để nhà báo hiện đại không thể chỉ hoàn tất một khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí mà phải thực hiện trọn vẹn tất cả các công đoạn trong quá trình này, tức là có tính độc lập rất cao khi tác nghiệp. Nhà báo phải có tâm, có tầm thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.