Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện trên cả nước
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến nay bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại cả 63 tỉnh thành trong cả nước, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm đã ghi nhận hơn 15.000 ca mắc, cao hơn 7 lần so với cùng kì năm ngoái, trong đó có 11 ca tử vong.
Theo các chuyên gia, dịch tay chân miệng năm nay đến sớm hơn và bùng phát khá mạnh ngay từ đầu năm, không phải đến tháng 5-6 như mọi năm. Tuy mới đến tháng 3 nhưng số mắc tay chân miệng đã ở mức 1.700-1.800 ca mới/tuần, gần tương đương thời điểm đỉnh dịch năm 2011.
Hiện nay, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Hải Phòng là những địa phương có số ca mắc cao nhất, mỗi tuần có đến 170 bệnh nhân phải nhập viện.
Giải thích về nguyên nhân bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp và gia tăng số người mắc, ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết nóng ẩm và mưa là điều kiện lý tưởng để virus này phát triển. Hiện ở Việt Nam cùng một lúc lưu hành nhiều chủng virus gây bệnh khác nhau nên trẻ có thể mắc nhiều lần vì không có miễn dịch chéo giữa các chủng gây bệnh.
Cần tạo cho trẻ thói quen vệ sinh tay để phòng ngừa bệnh tay chân miệng.
Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoedoisong.vn
Thêm vào đó là tỉ lệ người lành mang trùng rất cao, lên đến 71% tại các khu vực có bệnh, thời gian thải trùng lên đến sáu tuần. Trong khi đó, tỉ lệ người dân thực hiện đúng các hành vi phòng bệnh hiệu quả như thường xuyên rửa tay sạch cho trẻ, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, rất thấp. Do đó, việc lây lan từ người lành mang trùng sang các đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi hiện chiếm 81%.
Bộ Y tế cảnh báo năm nay dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp nhưng tỷ lệ tử vong sẽ giảm do ngành y tế đã có kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt việc sử dụng Gamma Globulin là thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng đã được mở rộng tuyến điều trị và đảm bảo sẵn sàng cho trẻ nặng có chỉ định. Vấn đề đặt ra hiện nay là ý thức phòng bệnh ở người dân chưa cao.
Theo ông Trần Thanh Dương, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là đảm bảo vệ sinh cá nhân, thứ nhất là ăn sạch và giữ cho các cháu ăn chín uống sôi vì virus có thể bị phá hủy trong điều kiện trên 70 độ, trong vòng 1-2 phút virus đã bị phá hủy; thứ hai là đồ chơi phải sạch và tay luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Nhằm hạn chế tình trạng lây lan của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và huy động các nguồn cấp xà phòng cho trẻ dưới 3 tuổi với khoảng 5 triệu hộ…/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.