Hạn hán tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới
Nếu như năm 2011, châu Phi phải gánh chịu những hệ quả khủng khiếp từ đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm trở lại đây thì sang đến năm 2012, hạn hán tiếp tục tác động tới khu vực châu Âu. Hạn hán tác động nặng nề tới sản xuất nông nghiệp ở châu Âu (Ảnh: lexpansion.lexpress.fr)
Chưa hết khó khăn từ cuộc khủng hoảng nợ công, châu Âu lại phải đối mặt với tác động ngày càng gia tăng của tình trạng khí hậu khô nóng và lượng mưa giảm đáng kể.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới đây đã lên tiếng yêu cầu châu Âu tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các quốc gia này ứng phó với hạn hán. Tại Pháp, hạn hán đã lên tới kỷ lục kể từ 50 năm trở lại đây và chi phí sản xuất đã phải tăng lên đáng kể.
Tại khu vực Bắc Âu, thời tiết đặc biệt khô hanh. Tại Bồ Đào Nha, tháng 2 vừa qua được ghi nhận là tháng khô nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Tại Tây Ban Nha, tình hình cũng không mấy khả quan hơn.
Theo kênh dự báo thời tiết của Pháp, “các biến động của thời tiết không dễ có thể vượt qua. (…). Chúng tôi đã và đang chứng kiến rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra và mực nước thì hiện thấp hơn tới 80% so với bình thường”.
Trước tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bồ Đào Nha đã “gõ cửa” Ủy ban châu Âu kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp cho ngành nông nghiệp ứng phó với hạn hán. Tại Tây Ban Nha, nơi mùa đông được xem là khô nhất kể từ năm 1940 trở lại đây, các thiệt hại về hoa màu cũng không ngừng gia tăng, đó là chưa kể tới tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho cả con người và vật nuôi.
Tại Pháp, tình hình cũng đặc biệt đáng lo ngại. Sau một năm 2011 đã được xem là nóng nhất trong lịch sử với mùa xuân nóng bức như mùa hè, thì năm 2012 lại được thông báo vẫn còn tiếp tục nắng nóng và khô cằn hơn nữa. Nhiều khu vực của nước Pháp đã chưa nhận được một giọt mưa nào kể từ đầu năm nay. Theo Văn phòng nghiên cứu địa chất và khai thác mỏ, sự sụt giảm về lượng mưa trong năm 2012 được dự báo còn nghiêm trọng hơn cả năm 1959. Những người nông dân Pháp đang đặc biệt lo ngại trước những tác động khắc nghiệt của thời tiết và dự kiến sẽ phải chi phí nặng thêm rất nhiều cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Trong năm ngoái, hạn hán đã khiến ngành nông nghiệp Pháp phải chịu thiệt hại 241,7 triệu euro.
Tình trạng khô hạn đặc biệt cũng tác động tới các nước Bắc Phi ven biển Địa Trung Hải. Morocco (ngành nông nghiệp chiếm tới 16,6% GDP và sử dụng 45% lao động) có thể phải nhập khẩu lượng lúa mì kỷ lục lên tới 5 triệu tấn trong năm 2012-2013. Do tình trạng hạn hán, ngành nông nghiệp nước này chỉ còn có thể sản xuất 2,3 triệu tấn lúa mì, so với 6 triệu tấn năm 2011.
Tại Nam Phi, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng đã rung lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình hạn hán nghiêm trọng tác động tới đất nước Mauritania. “Số lượng những người sống trong cảnh bất ổn lương thực sẽ có thể lên tới 900.000, chiếm ¼ dân số”, WFP cho biết.
Mặt khác, tại bang Texas (Mỹ), các thiệt hại về nông nghiệp cũng đã lên tới mức kỷ lục. Thiệt hại trong lĩnh vực này đã lên tới 7,6 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với thiệt hại ghi nhận trong năm 2006 cũng trong giai đoạn phải chịu tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất.
Không thể phủ nhận trong những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và khắc nghiệt. Những minh chứng của hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và tàn khốc. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, nhân loại cần thống nhất được một chương trình hành động cụ thể và hiệu quả để hạn chế sự nóng lên của khí hậu, giúp bảo vệ sự sống của chính con người trên trái đất./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.