Báo động nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Ngãi bị xâm hại nghiêm trọng

       Quảng Ngãi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn nhiều bất cập. Một số di tích lịch sử, văn hóa hiện nay đang bị xâm hại nghiêm trọng.

        

       Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 168 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận bảo vệ và 26 di tích lịch sử, văn hóa được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) xếp hạng cấp quốc gia. Ðặc điểm các di tích ở Quảng Ngãi được trải rộng từ vùng núi đến các huyện đồng bằng và huyện đảo Lý Sơn nên việc quản lý, đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị các di tích gặp nhiều khó khăn. TS Nguyễn Ðăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: Những năm gần đây, Sở  đã chú ý đầu tư có trọng điểm và đem lại hiệu quả trong công tác trùng tu, tôn tạo và giữ gìn, bảo vệ các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp đã lần lượt được tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp, nhờ đó, những di tích, thắng cảnh trong tỉnh vẫn giữ được nét cơ bản và ngày càng thu hút nhiều khách đến tham quan như: di tích khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng, khu chứng tích Sơn Mỹ, khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, khu di tích Ðội Hoàng Sa - Bắc Hải trên đảo Lý Sơn và các thắng cảnh núi Thiên Ấn, bãi biển Sa Huỳnh, Mỹ Khê… Và nhiệm vụ đặt ra trong công tác quy hoạch, bảo vệ các di tích là rất cần thiết, nhưng thời gian qua, ngành chủ quản quản lý thiếu chặt chẽ nên một số di tích lịch sử, văn hóa đã bị xâm hại đáng kể…

Ðiều tra theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi thấy tình trạng nhiều di tích ở địa phương đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau: Di tích vụ thảm sát Tân An (Mộ Ðức) bị lấn chiếm làm hồ nuôi tôm; di tích căn cứ cách mạng  Tuyền Tung (Bình Sơn) bị lấn chiếm trồng keo, bạch đàn; di tích chiến thắng Ba Gia ở núi Khỉ (Sơn Tịnh), di tích núi Ðịnh Cương (Nghĩa Hành) - nơi đã in đậm dấu ấn chiến công oanh liệt trong thời chống Mỹ, cứu nước đang có nguy cơ bị xóa sổ, do tình trạng khai thác đá bừa bãi… Một số thợ chẽ đá ở đây bức xúc nói: Người dân địa phương chúng tôi đều biết núi Khỉ là di tích cách mạng (di tích có hang vào sâu trong núi đá) nhưng hiện nay đã bị nhà thầu khai thác đá rầm rộ. Chúng tôi là người dân địa phương thấy di tích bị xâm phạm xót xa lắm chứ, nhưng phận “làm công kiếm tiền” cho nhà thầu đâu dám nói gì.

Có di tích thắng cảnh nằm trong “thập nhị mỹ cảnh” của Quảng Ngãi cũng bị chính quyền xã biến thành nghĩa địa như núi Phú Thọ và “Cổ lũy cô thôn” là một thí dụ. Ðây là thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, có núi và làng quê liền kề được tô điểm thêm bởi di tích kiến trúc thành cổ của người Chăm đang bị vi phạm nghiêm trọng. Theo Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi Phan Ðình Ðộ, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn chưa được chính quyền địa phương quan tâm, bảo vệ nên một số di tích đã bị nhà thầu ngang nhiên khai thác đất, đá. Có di tích bị người dân lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp và làm nhà trái phép. Nhiều di tích đến nay vẫn chưa đầy đủ hồ sơ, quy hoạch, cắm mốc bảo vệ nên khi bị dân lấn chiếm, cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, không những di tích cấp tỉnh bị xâm phạm mà nhiều di tích lịch sử, văn hóa quốc gia còn bị lấn chiếm đất đai, tự ý sửa chữa, làm thay đổi diện mạo kiến trúc ban đầu của di tích như: di tích quốc gia chùa Diệu Giác, Thành cổ Châu Sa, di tích Ðài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (Ðình Thọ Lộc), di tích khởi nghĩa Trà Bồng (lô cốt trung tâm), di tích Trường Lũy (đoạn ở Trà Bồng, Tư Nghĩa)…

Có thể thấy, trong nhiều di tích ở Quảng Ngãi bị xâm hại thì hai di tích lịch sử, văn hóa quốc gia chùa Ông và chùa Diệu Giác đang bị xâm hại nghiêm trọng gây bức xúc cho nhân dân địa phương, cần được làm rõ. Theo hồ sơ, chùa Ông là di tích kiến trúc, tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa được Bộ VH-TT và DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993 và có biên bản quy định khu vực bảo vệ đã ký giữa ngành chủ quản và chính quyền địa phương. Theo đó, quần thể di tích chùa Ông được quy hoạch quản lý, bảo vệ trên 4.088 m2, nhưng hiện nay đã bị các hộ gia đình lấn chiếm xây nhà ở. Nhiều người dân ở đây bức xúc nói: Chùa Ông là di tích quốc gia nhưng tại sao UBND xã Nghĩa Hòa và huyện Tư Nghĩa còn cấp sổ đỏ cho ông Từ Thanh Sơn (người chiếm đất di tích trên 608 m2)?! Sau khi ông Sơn có sổ đỏ đã ngang nhiên bán đất cho những hộ khác để làm nhà trong khu vực di tích.

Trao đổi ý kiến với lãnh đạo Sở VH-TT và DL Quảng Ngãi được biết, mặc dù trước đó các cơ quan chức năng của tỉnh đã thanh tra, lập biên bản đình chỉ việc xây nhà trái phép trong khu vực di tích chùa Ông của ông Hà Văn Trường và bà Thái Thị Hồng Thủy, nhưng UBND xã Nghĩa Hòa làm ngơ để cho các hộ trên ngang nhiên làm nhà kiên cố. Hiện, Sở VH-TT và DL Quảng Ngãi đã có tờ trình kiến nghị với UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND huyện Tư Nghĩa xử lý việc xâm phạm di tích chùa Ông, nhưng đến nay vẫn chưa thấy “nhúc nhích” gì. Mới đây, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT và DL) cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xử lý dứt điểm việc xâm phạm chùa Ông theo Luật Di sản văn hóa và chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những hộ vi phạm di tích, không để tình trạng này kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Một vụ việc vi phạm điển hình là việc tự ý tháo dỡ xây dựng chùa Diệu Giác. Ðây là một di tích quốc gia ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Tuy nhiên, di tích hiện nay đã bị phá vỡ kiến trúc gốc do ông Nguyễn Ba (pháp danh Thích Nguyên Toàn) trụ trì  chùa tự ý tôn tạo, xây dựng một số hạng mục công trình mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Phần lớn di tích cũ đã thay đổi kiến trúc như: nhà che tháp Chiêu Công, nhà tăng, tường rào, cổng Tam quan đã đập phá làm mới…). Ðáng nói hơn, việc tiến hành sửa chữa, tôn tạo di tích này không có giấy phép, không có thiết kế vẫn ngang nhiên diễn ra với cảnh quan bị phá nát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với những hộ dân trong khu vực. Qua biên bản kiểm tra của Ðoàn thanh tra liên ngành tỉnh cho thấy, di tích chùa Diệu Giác hiện nay đã bị xâm hại nghiêm trọng “làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác đã gây ảnh hưởng xấu đến di tích”.  Vụ việc vi phạm di tích quốc gia chùa Diệu Giác đang được các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành thanh tra, xử lý theo Luật Di sản văn hóa năm 2009 (sửa đổi); đồng thời buộc tạm dừng sửa chữa, tôn tạo di tích, tháo dỡ một số hạng mục công trình không phù hợp và nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật…

Quảng Ngãi đang trở thành “tâm điểm” của nhiều vụ lấn chiếm đất để làm nhà, xây dựng công trình và khai thác tài nguyên trong vùng di tích lịch sử. Phải chăng, các cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức trên lĩnh vực này.