Ngành y tế Tiền Giang cảnh báo với biến chứng bệnh tay chân miệng .
( THTG) Bước vào chu kỳ đỉnh của bệnh tay chân miệng, số ca mắc bệnh ở các địa phương trong cả nước ngày càng tăng cao. Tại Tiền Giang, con số này cũng chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn đang tiếp tục tăng.
So với mùa dịch tay chân miệng năm trước, tính trong 3 tháng đầu năm, số liệu thống kê của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang cho thấy số ca bệnh tay chân miệng năm nay nhiều hơn. Đến thời điểm trung tuần tháng 3 toàn tỉnh có trên 220 trẻ mắc bệnh.
Tại bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, số trẻ bị bệnh tay chân miệng đang điều trị rất đông, đặc biệt trẻ từ vài tháng tuổi đến dưới 3 tuổi chiếm một tỷ lệ lớn. Điều làm cho các bác sĩ lo ngại hiện nay, là xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, như biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Khi trẻ mắc phải những biến chứng này, phụ huynh rất khó phát hiện, vì bệnh không biểu hiện ra bên ngoài như những trẻ mắc bệnh tay chân miệng bình thường.
Trường hợp bé Nguyễn Huỳnh Minh Thư, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Bé bị biến chứng thần kinh dẫn đến bại não, hiện đang điều trị ở bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và đang phải sống đời sống thực vật. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, mẹ bé Minh Thư cho biết: diễn biến bệnh của bé Minh Thư diễn ra rất nhanh, sáng khi phát hiện bé bị nóng thì chiều chị đã đưa bé lên bệnh viện, nhưng vẫn không thể kịp thời cứu chữa, đặc biệt là bé không nổi những mọng nước như những trường hợp khác nên mẹ bé không phát hiện được.
Bác sĩ Trần Thị Gắn – Phó Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang lưu ý: khi đã mắc bệnh do vi khuẩn enterovirus 71 gây ra thì vi rút coxsakie vẫn có thể tấn công, và khi đã nhiễm bệnh rồi thì trẻ vẫn có khả năng nhiễm bệnh trở lại. Khi có những dấu hiệu báo động như: sốt, có bóng nước ở tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, hay những vết loét ở miệng thì phải nhanh chống đưa bé đến cơ sở y tế. Nếu không phát hiện kịp thời, bé bị nôn ói nhiều, sốt liên tục thì khả năng qua biến chứng rất nhanh, mà khi đã biến chứng rồi thì rất nguy hiểm.
Điều quan trọng để có thể phòng ngừa bệnh tay chân miệng là phải vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bên cạnh đó cần vệ sinh môi trường, sát khuẩn đồ chơi của trẻ, sát khuẩn sàn nhà bằng thuốc khử trùng hoặc cloramin B, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh, phụ huynh cần quan tâm chăm sóc, theo dõi những biểu hiện lạ của trẻ để có thể điều trị kịp thời. Với những biến chứng như biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, những biến chứng này ít có những biểu hiện bệnh cụ thể ra bên ngoài nên rất khó phát hiện. Vì vậy hơn bao giờ hết, sự quan tâm, chủ động phòng tránh bệnh là điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.