Việt Nam tổ chức tọa đàm quốc tế về quyền trẻ em
Mới đây, bên lề Khoá họp thường kỳ lần thứ 29 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm quốc tế về xóa bỏ các hành vi có hại cho trẻ em với sự tham dự của các diễn giả từ các Ủy ban Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Công ước Xóa bỏ phân biệt chống lại phụ nữ (CEDAW), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đại biểu đại diện khoảng 40 nước, tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu dẫn đề tọa đàm, liên quan tới nỗ lực của các nước nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva kêu gọi các nước lưu ý đến các khuyến nghị của các Ủy ban công ước về các hành vi xâm phạm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, trong đó có các hủ tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, sức khỏe, vị thế xã hội cũng như việc thụ hưởng các quyền của các em. Liên quan đến bình đẳng giới và quyền trẻ em ở Việt Nam, Đại sứ khẳng định mạnh mẽ cam kết của Nhà nước trong việc xây dựng pháp luật, chính sách và đầu tư nguồn lực để triển khai các chủ trương cụ thể nhằm giải quyết các thách thức trong lĩnh vực này. Công tác vận động, giáo dục, hỗ trợ tư vấn toàn diện cũng được triển khai ở nhiều cấp, nhất là các địa phương vùng sâu, phương xa, nhằm đẩy mạnh bài trừ các hủ tục đối với phụ nữ và trẻ em.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng đề xuất các nước, các Ủy ban Công ước liên quan nên tăng cường công tác thông tin, giáo dục về các văn bản luật quốc tế và quốc gia về quyền phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện khi xây dựng luật pháp và chính sách liên quan, cũng như tăng cường tính tương thích và hiệu quả thông qua hợp tác tiểu khu vực và khu vực có những đặc điểm và hoàn cảnh kinh tế, xã hội tương đồng. Đại sứ Nguyễn Trung Thành kêu gọi các nước, các cơ chế của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế chung tay biến cam kết thành hành động để đẩy lùi các hủ tục với trẻ em.
Tại tọa đàm, đại diện CEDAW, CRC, UNICEF, đại diện một số nước châu Âu, châu Phi và Nam Á và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đã phát biểu chia sẻ tình hình các hủ tục đối với trẻ em, nhất là các hủ tục về tảo hôn, cưỡng hôn hoặc ngược đãi trẻ em, và cam kết của các nước trong khu vực để đối phó với các thách thức đó. Nhiều ý kiến đánh giá cao cam kết, nỗ lực và thành tích của Việt Nam trong lĩnh vực này, và chia sẻ các đề xuất của Việt Nam. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam cùng các nước thúc đẩy thảo luận về chủ đề này, đóng góp vào thảo luận chung của Hội đồng Nhân quyền, trong đó có việc xem xét các dự thảo nghị quyết liên quan của Hội đồng.
Quyền trẻ em và quyền phụ nữ là một trong những ưu tiên cao của Việt Nam, như đã thể hiện trong các cam kết tự nguyện khi ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao. Các chủ đề này cũng là một trong những trọng tâm thảo luận và ra quyết định của Khóa 29 của Hội đồng Nhân quyền, đang diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ từ 15/6 đến 3/7/2015.
Nguồn Vnmedia
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.