Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn WHO
Chiều tối 22/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (gọi tắt là tiêu chuẩn NRA). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Sau 14 năm chuẩn bị, đến nay, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 37 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn NRA, trong tổng số 43 nước có sản xuất vắc xin trên thế giới. Việc đạt được tiêu chuẩn này khẳng định năng lực quản lý của Bộ Y tế cũng như uy tín, chất lượng của vắc xin sản xuất trong nước, mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành công nghiệp vắc xin Việt Nam. Tuy nhiên, việc công nhận tiêu chuẩn NRA chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định là 2 năm và định kỳ cứ 2 năm Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiến hành đánh giá lại các các chức năng của cơ quan quản lý. Do vậy, để đảm bảo duy trì và phát triển hệ chứng chỉ NRA là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công nhận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Việt Nam vinh dự được đón nhận chứng nhận hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là nỗ lực của 14 năm liên tục không chỉ thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cả hệ thống quản lý của ngành y tế mà còn là công sức của rất nhiều nhà khoa học. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đạt được tiêu chuẩn NRA có ý nghĩa lớn trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ công nhận. Ảnh: Đỗ Thoa |
“Nỗ lực của ngành Y tế đáng được biểu dương và trân trọng nhưng một mình ngành Y tế không thể làm được những công việc tiếp theo khó khăn hơn. Vì vậy trước hết, ngành Y tế vẫn phải tiếp tục các chương trình nghiên cứu khoa học về bảo vệ sức khỏe nói chung và về vắc xin nói riêng. Việt Nam phải có cơ chế chính sách để huy động được các nguồn vốn đầu tư, cùng với đó là công tác làm thị trường trong nước và cả xúc tiến thị trường quốc tế trên quan điểm sản xuất lớn. Việt Nam phải tiếp tục hàng ngày, hàng giờ rà soát những quy định hết sức chi tiết, cẩn trọng liên quan đến việc sản xuất, tiêm vắc xin, đặc biệt là những vùng còn khó khăn” – Phó Thủ tưởng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng, vắc xin của nước ta không chỉ được sử dụng trong nước mà còn vươn tới xuất khẩu; dần dần Chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta phải có đầy đủ các loại vắc xin mà thế giới đã có và ngành y tế sản xuất được thêm nhiều loại vắc xin, góp phần để người dân, trong đó có trẻ em được chăm sóc sức khỏe tốt và có tương lai rộng mở.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn và trân trọng sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế, quốc gia bè bạn, cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dược nói chung và vắc xin nói riêng đối với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, cám ơn đội ngũ nhà khoa học, thầy thuốc đã luôn tận tình hết sức mình vì sức khỏe nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10/12 vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và đang đưa vào thử nghiệm lâm sàng các vắc xin phòng chống cúm mùa, cúm đại dịch; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng nhà máy và phát triển sản xuất vắc xin cúm tại Nha Trang.
Đến nay, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu được 1 số loại vắc xin như: vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin sởi, vắc xin ngừa viêm gan A, viêm gan B và vắc xin tả… với thế mạnh về giá nên khả năng cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện chưa hoạt động hết công suất, vắc xin viêm gan B mới đạt 30% công suất; vắc xin ho gà, uốn ván dưới 50%…
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở rộng xuất khẩu vắc xin sang các nước châu Á, tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn bộ 11 loại vắc xin mà Việt Nam đã sản xuất được. Đồng thời, Bộ cũng quy hoạch 4 công ty vắc xin thành một để tập trung sản xuất, chuyên môn hóa, tránh chồng chéo.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, từ năm 2001, Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành đánh giá cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin tại Việt Nam theo bộ tiêu chí đánh giá cơ quản quản lý quốc gia về vắc xin của Tổ chức y tế thế giới. Sau đó, Việt Nam đã trải qua nhiều lần đánh giá khác qua các năm 2005, 2008 và 2011.
Tại lễ công nhận, Giám đốc Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương Shin Young-soo khẳng định: Sau khi được các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá kỹ lưỡng, Việt Nam đã được công nhận là nước có một hệ thống quốc gia về quản lý vắc xin đạt tiêu chuẩn. Chứng chỉ này dựa trên đánh giá của nhóm các chuyên gia quốc tế độc lập làm việc với Tổ chức Y tế thế giới trong 4 tháng vừa qua. Đây là một thành tựu quan trọng đối với Việt Nam. Kết quả đặc biệt này sẽ tạo lòng tin cho mọi người về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin được sản xuất tại Việt Nam. Dựa trên những kết quả này, các công ty sản xuất vắc xin trong nước tại Việt Nam có thể nộp đơn yên cầu Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định các loại vắc xin của họ. Các công ty sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện có thể góp phần làm tăng nguồn cung ứng vắc xin trên toàn cầu nhằm đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được vắc xin có chất lượng./.
Trong các ngày từ 13 – 17/4/2015, Đoàn chuyên gia độc lập của Tổ chức Y tế thế giới gồm 16 thành viên đến từ 12 quốc gia trên thế giới đã tiến hành đánh giá chính thức chức năng hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin tại Việt Nam với kết quả đánh giá tất cả các chức năng đạt trên 90%; trong đó có những chức năng đạt 100%.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.