Tranh cãi quy hoạch vùng trái cây Nam bộ

        Ngày 9.4, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị quy hoạch vùng sản xuất trái cây Nam bộ. Từ năm 2006, Bộ đã quy hoạch tại 8 tỉnh ĐBSCL 8 cây ăn trái đặc trưng với tổng diện tích gần 80.000 ha, tổng sản lượng đạt gần 595.000 tấn.

Vùng Đông Nam bộ cũng chọn được 7 cây tiêu biểu để tiến hành quy hoạch vùng cây ăn trái chuyên canh với tổng diện tích khoảng hơn 50.670 ha, sản lượng hằng năm đạt mức 400.000 tấn. Sau 5 năm, đến nay việc phát triển sản xuất cây ăn trái vẫn còn manh mún, hiệu quả thấp. Sau khi tiến hành rà soát lại thực tế sản xuất tại các tỉnh, đoàn kiểm tra của bộ đã kiến nghị mỗi tỉnh, thành chỉ nên chọn ra 2 - 3 cây chủ lực để quy hoạch phát triển. Riêng TP.HCM, phát triển cây ăn trái theo hướng du lịch sinh thái nên thực hiện đa dạng hóa giống cây và loại hình.

TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho rằng nếu không gắn việc quy hoạch phát triển vùng với tình hình tiêu thụ, việc tới mùa nông dân phải đổ bỏ sản phẩm mồ hôi nước mắt của họ là khó tránh khỏi. Vì vậy, Bộ NN-PTNT kết hợp với Bộ Công thương rà soát lại nhu cầu tiêu thụ và khả năng đáp ứng của từng loại cây đặc sản hiện nay. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục hoàn thành, phát triển thành vùng chuyên canh của tỉnh, kết hợp với các tỉnh khác làm thành vùng nguyên liệu cho cả nước, đồng thời tiến hành đầu tư công nghệ sau thu hoạch và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngày 9.4, ông Nguyễn Hữu Huân,  Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết các nước EU vừa phát hiện một gói rau quế khoảng 3 - 4 kg của một doanh nghiệp tại Hà Nội xuất sang EU bị phát hiện nhiễm ruồi đục quả, ảnh hưởng tới cả lô hàng.  Như vậy, từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 3 lô hàng rau quả Việt Nam bị phát hiện nhiễm sâu, bệnh. EU cũng cảnh báo từ nay đến cuối năm, nếu phát hiện thêm 2 trường hợp vi phạm nữa, họ sẽ cấm nhập khẩu rau quả VN. Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang tăng cường công tác kiểm dịch các lô hàng rau quả xuất khẩu sang EU. Bộ NN-PTNT cũng tạm thời cấm xuất khẩu  sang EU 15 loại rau quả có nguy cơ nhiễm sâu, bệnh cao để tránh ảnh hưởng tới toàn ngành.