Xuất khẩu của các doanh nghiệp: Thủy sản tăng – gạo giảm mạnh
Với nhiều nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, những tháng đầu năm 2012 , xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định và liên tục tăng trưởng, mang về lượng lớn ngoại tệ từ các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản vẫn ổn định và tăng trưởng. |
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, điều mà doanh nghiệp cả nước đang khó là lãi suất ngân hàng, thị trường xuất khẩu cũng hạ nhiệt nhất là châu Âu do khủng hoảng nợ công. Do vậy, xuất khẩu thủy sản cũng nằm trong bức tranh chung này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, nhìn tổng thể ngành thủy sản cả nước trong quý 1 tăng khoảng 16% về giá trị, thị trường tiêu thụ vẫn có nhu cầu rất lớn, riêng thị trường châu Âu có giảm chút ít, nhưng chủ yếu là do tâm lý. Giá xuất khẩu thủy sản (quý 1/2012 so với quý IV/2011) giảm khoảng từ 2-3% là do sự không an tâm của bà con nuôi cá trong nước, nên khách hàng nước ngoài chào giá mua thấp hơn. Đây chỉ là thời điểm chứ không phải giá thực, bởi giá thực vào khoảng 3,1-3,2 USD/kg, với giá này bà con nuôi cá mới sống được, còn hiện nay chỉ dao động từ 2,9-3 USD/kg. Khách hàng nước ngoài không tự ý hạ giá nhập khẩu, chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tự chào giá bán thấp hơn để cạnh tranh. Do vậy, tính thương mại, đoàn kết và tính định hướng xuất khẩu hiện chưa phát huy hết tác dụng.
Lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhận định thị trường tiêu thụ ổn định, chỉ có điều lo ngại là những tháng gần đây, ngành thủy sản có thông tin không tốt là một vài doanh nghiệp bị thua lỗ do tài chính không lành mạnh, nên phần nào chi phối tâm lý của người nuôi cá. Hiện nay, họ chỉ muốn bán lấy tiền liền để trả nợ ngân hàng mà không chịu bán nợ. Thực tế này càng gây thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tình thế nguồn vốn vay từ ngân hàng gặp khó khăn với lãi suất cao, buộc lòng giá cá nguyên liệu phải giảm nên thị trường cá nguyên liệu trong nước cũng ảnh hưởng theo. Từ tâm lý này, những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm liên tục.
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, từ Tết Nguyên đán đến nay, giá cá nguyên liệu giảm xuống khoảng 2.000 đồng/kg, hiện nay dao động từ 23.000-24.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 500-1.000 đồng/kg. “Những thông tin hiện nay chỉ mang tính nhất thời, riêng lẻ do phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tự chủ được tài chính, có tích lũy và tình hình sản xuất, xuất khẩu tương đối ổn định. Do vậy, thời gian ngắn tới giá nguyên liệu sẽ tăng lên. Bởi mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã và đang đi vào giới bình dân, với giá bình dân và mang tính số đông nên thị trường tiêu thụ vẫn rất ổn định. Một số nước khác đang có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản này của Việt Nam” - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.
Trên bình diện chung, theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương, tình hình xuất khẩu thủy sản quý 1 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 32.000 tấn, với kim ngạch là 87 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giá trị tăng khoảng 33% so cùng kỳ, đạt được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu còn một số khó khăn nhất định do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá điện tăng những tháng gần đây…
Xuất khẩu thủy sản đạt được mục tiêu đề ra phần lớn là do các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động được nguyên liệu từ 40-60% để tự phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà máy. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty cổ phần Hùng Vương đã chủ động được 100% nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Song song đó, doanh nghiệp đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giữ được thị trường xuất khẩu truyền thống và mở được một số thị trường mới như xuất khẩu sang Nga, Brasil, kể cả xuất khẩu sang châu Phi. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng từng bước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trước những khó khăn đã và đang diễn ra, ông Đặng Thanh Liêm cho biết thêm, trong quý 2 cũng như cả năm 2012, ngành Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, ngành Công thương tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp nắm được thông tin cần thiết; triển khai các dự án về hỗ trợ xuất khẩu mà Tiền Giang đang làm thí điểm; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đi các nước giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất…
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có chiều hướng khả quan hơn, có dấu hiệu để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm 2012. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được UBND tỉnh chỉ đạo là lập danh sách các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả để ưu tiên cung ứng điện, góp phần hỗ trợ, khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu; theo dõi nghiên cứu thị trường, giá cả, khả năng xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu của tỉnh, các mặt hàng tỉnh có lợi thế, các thị trường mục tiêu, rào cản kỹ thuật của các nước nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu để định hướng hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến thương mại các thị trường trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ công nghiệp, thương mại tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Gạo xuất khẩu giảm 77% Theo Sở Công thương, trong quý 1 toàn tỉnh xuất khẩu được 13.400 tấn gạo, trị giá 9 triệu USD, giảm 77,1% về số lượng xuất khẩu và 67,3% về giá trị (quí 1/2011 gạo mang về cho tỉnh khoảng 27 triệu USD). Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm giảm mạnh là do các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, đang bị cạnh tranh về giá do lượng gạo rẻ của Ấn Độ và Pakistan. Gạo cấp thấp những tháng gần đây hầu như không xuất khẩu được, chỉ xuất được các loại gạo thơm, nếp và gạo đồ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những tháng tới đây tình hình xuất khẩu gạo sẽ được cải thiện do đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu tập trung. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.