Học sinh trở lại trường học trong ’bóng ma’ phóng xạ Fukushima
Nhật Bản vừa dỡ bỏ lệnh di tản với một số ngôi làng phía ngoài khu vực sơ tán có bán kính 12 dặm. Mặc dù vậy, cuộc sống của người dân vẫn bị ám ảnh bởi phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ngôi làng Kawauchi, tỉnh Fukushima vừa chào mừng các cư dân trẻ trở về, hơn 1 năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân. |
Theo The Guardian, ngôi làng Kawauchi vừa chào đón sự quay trở lại của những cư dân trẻ nhất bằng âm nhạc, tràng pháo tay và các bài diễn văn. Trong bài phát biểu, các quan chức không chỉ đề cập về vấn đề phóng xạ mà còn nhắc đến bước đi thận trọng để khôi phục Kawauchi trở về trạng thái cũ sau khi ngôi làng này trải qua cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Các giáo viên và phụ huynh đã không thể cầm nước mắt khi chứng kiến học sinh từ các trường mẫu giáo, tiểu học và trung bắt đầu học kỳ mới 1 năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân buộc họ phải rời bỏ nhà cửa. Đầu tháng này, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán ở 3 địa điểm phía ngoài khu vực cấm có bán kính 12 dặm trong khi các công nhân ở nhà máy Fukushima đang cố ngăn chặn hàng nghìn tấn nước nhiễm xạ rò rỉ và bắt đầu chương trình loại bỏ nhà máy dự kiến kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Trong những tuần tiếp theo, 16.000 trong số hơn 100.000 người phải di tản vì thảm họa hạt nhân có thể trở về những con phố cũ mặc dù họ không được phép ở qua đêm cho đến khi nhà mình được khử phóng xạ.
“Đã có lúc chúng tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ được trở về và quay lại cuộc sống cũ. Chỉ còn một ít người còn lại đây và tôi biết các bạn đang nhớ bạn bè, những người vẫn đang sống trong các khu tạm trú. Điều này sẽ cần thời gian nhưng hãy nhớ rằng cả nước Nhật Bản muốn chúng ta tiếp tục vượt qua khó khăn”, Yoshinobu Ishii, người đứng đầu ủy ban giáo dục Kawauchi nói với những bậc phụ huynh và con cái họ.
Ngoài Kawauchi, ngôi làng Tamura cũng vừa được dỡ bỏ lệnh sơ tán, trong khi thành phố Minamisomal dự định sẽ làm tương tự đối với một số nơi gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, người dân ở 8 thị trấn và ngôi làng khác nằm trong hoặc một phần bên trong khu vực sơ tán lại tỏ ra không hào hứng để quay trở về nhà xưa. Quốc vụ khanh phụ trách quản lý thảm họa Tatsuo Hirano đã đưa ra ý tưởng dựng lên một vùng đệm hạt nhân thường trú quanh nhà máy Fukushima vì mối đe dọa liên tục từ việc rò rỉ nước nhiễm phóng xạ.
Chính quyền Kawauchi đã có những bước chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại các ngôi làng. Thị trưởng Kawauchi là Yuko Endo đã đưa ra quyết định gây tranh cãi khuyến khích người dân trở về sau chuyến đi thăm thị trấn Pripyat, một thị trấn bỏ hoang gần nhà máy hạt nhân Chernobyl - khu vực từng xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Thị trưởng Endo nói rằng ông sẽ không để Kawauchi trở thành Pripyat thứ 2.
Đường phố vắng bóng người qua lại tại ngôi làng Kawauchi. |
“Các bạn rất can đảm trong năm qua. Các bạn đã có thời gian khó khăn khi phải sống như người tị nạn, nhưng giờ là lúc các bạn có thể tập trung vào những vấn đề quan trọng như tái thiết lại trường học và nhà cửa”, ông Endo phát biểu trong buổi lễ chào mừng học sinh mới tại trung tâm làng Kawauchi
Với tâm trạng khá lạc quan, Endo nói rằng ông hy vọng trong vòng 2 đến 3 năm tới, dân số của Kawauchi sẽ trở về như trước thời điểm thảm họa. Tuy nhiên, trong số 2.856 cư dân từng sinh sống, hiện chỉ có 533 người trở về ngôi làng hẻo lánh này. Nếu thảm họa hạt nhân không xảy ra, các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học ở Kawauchi trung bình sẽ có hơn 200 học sinh trong danh sách đăng ký trong năm nay thay cho con số hiện tại là 30.
“Tôi vẫn không chắc liệu mình có quyết định đúng hay không. Dường như vẫn còn phóng xạ xuất hiện ở đây”, Hirotaka Suzuki có cậu con trai Hideyoshi (12 tuổi) đang học trung học chia sẻ. Mới tuần trước, Suzuki và gia đình anh bắt đầu sinh sống trong căn nhà đã được khử phóng xạ, sau hơn 1 năm sống tạm bợ ở thành phố Koriyama gần đó. “Tôi vui mừng vì một số người đã quay trở về, nhưng cảm thấy lo lắng cuộc sống ở đây sẽ không bao giờ được như xưa”, anh nói thêm.
3 trường học và trạm y tế ở Kawauchi vừa mở cửa trở lại, nhưng phần phía đông nằm trong khu vực sơ tán vẫn đang sống trong tình trạng bị phóng xạ đe dọa. Công việc khử phóng xạ còn lâu mới hoàn thành. Vì vậy chính quyền phải theo dõi sát sao mức độ phóng xạ trong làng. Tuần trước, các khu vực phía trước trường học đo được mức 0.114 đến 0.16 microsievert mỗi tiếng, dưới tiêu chuẩn an toàn 0.23 microsievert mỗi tiếng do chính phủ đề ra. Tuy nhiên, cũng có nơi trong ngôi làng đo được mức độ 0.25 microsievert mỗi tiếng.
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân, chính phủ Nhật Bản đưa ra mức bồi thường cho người dân dựa vào mức độ phóng xạ tại địa điểm mà họ sinh sống. Theo đó, người dân ở khu vực phóng xạ vượt quá mức 50 millisievert một năm – khiến họ không thể ở trong vòng ít nhât 5 năm – sẽ nhận được khoản tiền đền bù một lần 6 triệu Yen (khoảng 1,5 tỉ đồng) và ở khu vực có mức phóng xạ từ 20 đến 50 millisievert là 2,4 triệu Yen (hơn 600 triệu đồng).
Các nhân viên đang khử độc 23 ngôi nhà của các gia đình có trẻ em, nhưng hầu hết các cửa hiệu và nhà hàng ở Kawauchi vẫn đóng cửa im ỉm. Những cánh đồng từng cung cấp hàng tấn gạo giờ đây mọc đầy cỏ dại. Chính quyền ngôi làng vừa đề nghị nông dân không trồng lúa năm nay. Thiệt hại từ phóng xạ khiến cho nông dân ở Fukushima không thể bán được nông sản. Một số nông dân nói rằng dù thế nào đi chăng nữa, họ sẽ vẫn trồng lúa để làm nhiên liệu sinh học.
Hiện tại, ông Endo đã thuyết phục được khoảng 1/6 cư dân quay về và sứ mệnh tiếp theo là kêu gọi số dân còn lại trở về nhà cũ. Nếu không làm được điều đó, ông phải chấp nhận thực tế là ngôi làng Kawauchi sẽ tồn tại một cách lay lắt. “Tôi muốn các em cho những người khác biết rằng, cuộc sống ở đây vẫn tốt và có tương lai cho ngôi làng này”, thị trưởng Endo nói trong bài phát biểu với học sinh.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.