Kinh nghiệm học môn Lịch sử từ các học sinh đoạt giải quốc gia
Kỳ thi đại học, cao đẳng 2011 đã có hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm không (0) gây thất vọng cho xã hội. Một kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học nữa sắp đến, các thí sinh có thể chia sẻ kinh nghiệm của những học sinh đoạt giải cao môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT vừa qua. Lê Quốc Thiều. Ảnh: VA
Lê Quốc Thiều - Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam), đoạt giải Nhì quốc gia môn sử: Cần nhớ được các mốc lịch sử quan trọng
Khi học sử nhiều người cho rằng phải nhớ nhiều, nhớ chi tiết những diễn biến lịch sử, nhưng với bản thân em thì thấy không nhất thiết phải nhớ hết tất cả các mốc lịch sử trong sách giáo khoa, mà cốt yếu phải nhớ các mốc lịch sử quan trọng. Hơn nữa, cũng không phải học thuộc lòng từng câu từng chữ vì như vậy sẽ rất khó nhớ, dễ dẫn đến tình trạng học trước quên sau. Theo em tốt nhất phải hiểu sâu sắc diễn biến, ý nghĩa sự kiện lịch sử, và mỗi ngày dành thời gian khoảng 2 tiếng để đọc sách sử, coi việc đọc sử như là đang đọc truyện.
Được biết, Quốc Thiều yêu thích môn sử từ khi bắt đầu biết chữ, và sự yêu thích này đến rất tự nhiên. Học lớp 2 em đã mượn sách Lịch sử của các anh chị cấp 3 để đọc. “Thực sự lúc đó em chưa hiểu nhiều, nhưng càng đọc khám phá các sự kiện em càng thấy rất hứng thú. Tuy học sử Việt Nam khó hơn sử thế giới, nhưng em lại thích học sử Việt Nam hơn vì nó gần gũi” - Quốc Thiều chia sẻ. Ngoài việc sẽ được tuyển thẳng vào Khoa Sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, Quốc Thiều sẽ chọn thi Học viện Cảnh sát để thử sức mình.
Đào Phương Bình. Ảnh: VA |
Lớp 9 đoạt giải khuyến khích môn sử của tỉnh Hải Dương, lớp 11 giành giải ba quốc gia môn sử và lớp 12 thì đoạt giải nhất quốc gia môn sử, phương châm học sử của Phương Bình là phải yêu thích nó thực sự, có niềm đam mê thì học sẽ dễ “vào”. Kinh nghiệm để nhớ lâu của Phương Bình là chia thành các giai đoạn lịch sử cụ thể, cố gắng nhớ diễn biến chính của các mốc lịch sử đó và tư duy để hiểu cách ra đề. Cách viết bài sử cũng như viết bài văn, nên chia thành ba phần. Làm bài sử cố gắng có sự liên kết giữa các đoạn để bài thi liền mạch, lô-gic. Câu nào nhiều điểm hơn cần dành thời gian nhiều hơn.
Được biết, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn Lịch sử vừa qua, với thời lượng làm bài 180 phút, Phương Bình đã viết được 6 tờ giấy (tương đương 24 mặt giấy). Để có được tốc độ viết cực nhanh như vậy, ngoài kiến thức có sẵn trong đầu, Phương Bình chia sẻ là phải luyện tập hằng ngày mới có đủ sức viết được như vậy.
Lê Thiện Anh. Ảnh: VA |
“Em thích học sử vì em tâm niệm học sử không phải học để có kiến thức thuần túy mà là một phần quan trọng trong “học làm người”. Không chỉ có vậy, bộ môn lịch sử còn giúp em hiểu hơn về thế giới ngay từ buổi khai thiên lập địa, trải qua quá trình phấn đấu dài lâu, con người mới được sống văn minh, hiện đại như ngày hôm nay” – Thiện Anh chia sẻ.
Bí quyết học sử của em là đối với một môn có nhiều sự kiện, nhiều chi tiết như vậy thì học sử cần tự mình hệ thống lại những sự kiện chúng ta đã học, và học theo tư duy logic. Ngoài ra, bên cạnh việc học trong lớp cần biết tìm tòi thêm thông tin trong các sách sử, internet… Nếu có vấn đề gì chưa hiểu đừng ngại ngần hỏi thầy cô để nắm vững, tự tin vào kiến thức hơn. Cách làm bài thi môn Lịch sử rất khác với cách làm các môn học khác vì cần có lập luận sắc bén. Làm bài sử cũng như một bài văn, nên có mở bài, thân bài và kết bài; cần có luận cứ, luận điểm.
Lê Thiện Anh được tuyển thẳng vào Khoa Sử trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM, nhưng em sẽ thử sức thi vào ĐH Luật TPHCM. Hiện em chưa có dự tính nhiều về tương lai, quan trọng nhất là tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.