NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Sáng ngày 14/7, Đại hội đại biểu Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã bế mạc và bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. NSND Đặng Xuân Hải đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

1

Đại hội lần thứ VIII của Hội Điện ảnh Việt Nam (Ảnh: TTVH)

Đại hội lần thứ VIII của Hội Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với gần 500 đại biểu tham dự. Trong 2 ngày (13-14/7/2015), các hội viên đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề cốt lõi của ngành điện ảnh Việt Nam, bầu ra Ban chấp hành và Chủ tịch Hội mới.

Đại hội lần thứ VIII của Hội Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với gần 500 đại biểu tham dự. Trong 2 ngày (13-14/7/2015), các hội viên đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề cốt lõi của ngành điện ảnh Việt Nam, bầu ra Ban chấp hành và Chủ tịch Hội mới. Trong sáng 14/7, Ban chấp hành mới đã ra mắt với 12 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam là NSND Đặng Xuân Hải; Phó Chủ tịch thường trực: nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; đạo diễn – NSƯT Trịnh Lê Văn, đạo diễn – NSND Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Dương Cẩm Thúy, đạo diễn – NSND Phạm Minh Trí, nhà báo Đinh Trọng Tuấn, diễn viên Mai Huyền Linh (Quyền Linh), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên; đạo diễn – NSƯT Lê Hồng Chương, nhà quản lý Phạm Thị Tuyết và họa sĩ Đỗ Lệnh Hồng Tú.

 

Tới dự và phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích, nỗ lực, đóng góp của điện ảnh Việt Nam, đồng thời biểu dương tất cả các nghệ sĩ – những người đã tiếp thêm sức mạnh, mang thêm hương vị tình yêu cho cuộc đời. Đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ với Hội về những đánh giá, nhận định tình hình hoạt động điện ảnh nước nhà, về những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đa phương tiện, ảnh hưởng trực tiếp tới điện ảnh.

 

“Đúng là rất khó để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về nguồn lực như hiện nay. Nhưng nếu nhìn lại những thời kỳ trước đây, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều vẫn có những tác phẩm như vậy, vẫn được ra đời và sống mãi. Đúng là cơ chế thị trường có nhiều tác động tiêu cực cho điện ảnh nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhưng hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy điện ảnh của các nước vốn là cái nôi của kinh tế thị trường vẫn có những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật và hết sức nhân văn. Đúng là công nghệ truyền hình, công nghệ nghe nhìn, công nghệ mạng ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút khán giả tới rạp. Nhưng nhìn lại, chính sự phát triển công nghệ đã nâng cánh cho điện ảnh và những nền điện ảnh phát triển nhất nằm chính ở những quốc gia, những công nghệ này phát triển nhanh nhất” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Từ đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta phải đối mặt và phải vượt lên được những thách thức đó. Cả đất nước cũng vậy. Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu. Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, điện ảnh nước nhà cũng sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước. Đúng là chúng ta còn thiếu, còn cần nhiều điều kiện để có thể vượt lên. Nhưng trên tất cả là tình yêu nghệ thuật, là óc sáng tạo, là tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp. Những điều ấy chắc chắn không thiếu bên trong những nghệ sĩ, những người làm điện ảnh nước nhà và chính những điều ấy khiến các cô chú, anh chị, các em, các cháu mãi mãi trong lòng nhân dân như những gì thân thương, trân trọng nhất”.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Hội để khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chế độ chính sách, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Chiến lược, Quy hoạch phát triển điện ảnh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Theo báo cáo tại Đại hội, trong 5 năm qua, điện ảnh Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh thực sự. Các cơ sở sản xuất, phát hành phim Nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hóa nên chưa phát huy được tiềm năng. Phim ngoại vẫn lấn át phim nội ở các phòng chiếu và tồn tại khoảng cách quá lớn giữa nông thôn, thành thị, đặc biệt là miền núi.

Những năm vừa qua, điện ảnh Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển của những khối nhà sản xuất phim tư nhân, phim độc lập bên cạnh các hãng phim của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đơn vị sản xuất phim tư nhân còn nhiều tác phẩm có đề tài khá dễ dãi, trong khi đó nhà làm phim độc lập đang gặp khó khăn trong nguồn lực kinh tế để sản xuất. Ngoài ra, nền điện ảnh vẫn còn những tồn tại hạn chế như: sự thiếu hụt trầm trọng của đội ngũ làm phim, trang thiết bị vật chất cũng như các nguồn lực khác…

Sau 2 ngày diễn ra, Đại hội đã thông qua phương hướng nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam, liên kết với điện ảnh các nước trong khu vực và quốc tế để nền điện ảnh Việt Nam hội nhập và có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa./.

Nguồn Tổ quốc