Tỷ phú đồng phèn

       Một nông dân tay trắng đã gầy dựng nên cơ ngơi đồ sộ trên cánh đồng phèn hoang hóa với thu nhập tròm trèm 1 tỷ đồng mỗi năm. Đây là một kỳ tích về nghị lực thoát nghèo và sự nhạy bén trong sản xuất - kinh doanh của cựu chiến binh Ngô Văn Biền, ngụ tổ 5, ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước.

Ông Ngô Văn Biền cho rằng trái khóm phải cùi nhỏ, đầu nhỏ, thân hình trụ như thế này mới là trái khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Gian nan không hề nản

       “Đi dọc bờ kênh, gặp ngôi nhà lầu khang trang nằm giữa cánh đồng khóm chính là nhà của chú Chín Biền. Không biết cứ hỏi tên chú là ai cũng có thể chỉ đường” - anh Hồ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Lập 2 hướng dẫn.

Quả thật, tìm nhà ông Biền không khó, vì đó là ngôi nhà lầu duy nhất ở đây. Tiếp chúng tôi là người đàn ông dáng người tầm tầm, rặc nông dân từ dáng vẻ đến lời nói. “Có giàu có, giỏi dang gì hơn ai đâu mà lên báo, kỳ dữ lắm mấy ông ơi!” - ông Ngô Văn Biền dè dặt từ chối. Nhưng khi chúng tôi hỏi thăm về cây khóm, cách làm thế nào để sản xuất có hiệu quả thì người nông dân này say sưa “hơn nhau là ở cách làm”.

Ông Biền vốn quê ở xã Tân Hòa Thành, một vùng trồng lúa thâm canh năng suất cao nổi tiếng của huyện Châu Thành trước đây. Thế nhưng quê cũ đất hẹp người đông, trồng lúa mỗi năm 3 vụ “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” quần quật vẫn không đủ ăn. Cũng như nhiều nông dân khác, hưởng ứng chủ trương di dân lập nghiệp trên vùng đất mới, năm 1990, sau khi xuất ngũ anh bồng bế “bầu đoàn thê tử” vào xã Tân Lập 2. Trên vùng quê mới, 2ha đất hoang là sự khởi đầu cơ nghiệp của người cựu chiến binh này.

Tân Lập 2 ngày ấy là xã nằm sâu của vùng Đồng Tháp Mười, đất đai bị nhiễm phèn nặng, canh tác khó khăn nên dân cư thưa thớt. Vào lập nghiệp tại miền đất mà điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, nhiều người không trụ nổi phải bỏ đi nơi khác, nhưng ông Biền đã trụ lại được. Suy nghĩ đất sẽ không phụ người có lòng, ông Biền không ngại khó, không sợ khổ, cần cù chịu khó, vừa tích cực khai phá đất hoang, vừa tận dụng lợi thế các tuyến kênh mương mới đào để đưa nước ngọt vào đồng ruộng cải tạo đất đai, rửa phèn…

Để làm giàu được trên vùng đất mới này cũng “năm cơm bảy cháo” lắm chứ đâu phải dễ dàng gì. Ông Chín Biền kể: “Đất phèn nặng quá không thể trồng lúa nên ban đầu tôi trồng mì. Thua. Mì trúng mùa nhưng bán rẻ như cho. Thế là tôi chuyển qua trồng mía. Cũng thua! Mía nhũn, tiền bán mía chỉ đủ trả công đốn. Đói, khổ ghê lắm. Năm 1995, tôi chuyển qua trồng khóm vì thấy nông trường trồng có hiệu quả. Cây khóm chịu đất phèn nên phát triển tốt. Vụ thu hoạch khóm đầu tiên của tôi là năm 1997, trúng mùa, được giá nên gia đình tôi mới có tiền, mua thêm đất. Hiện nay, gia đình tôi đang canh tác 14 ha khóm, trang bị đủ các phương triện cơ giới phục vụ sản xuất như máy xúc (kobe), máy bơm… Có chút của ăn của để, con cái tôi học hành được cũng là nhờ cây khóm mà nên”.

Hơn nhau ở cách làm ăn

Thành quả hôm nay của gia đình ông Chín Biền là từ cây khóm mà nên. Nhưng thật ra trồng khóm không phải dễ ăn và không phải ai cũng có thể giàu lên. Bí quyết thành công của ông, bên cạnh sự cần cù, yếu tố quyết định là nhạy bén tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Với sự nhạy bén và mẫn cảm của một nông dân giai đoạn kinh tế hội nhập, ông Chín Biền luôn tìm hiểu cách ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật thâm canh để khóm cho trái tốt, năng suất cao và thu hoạch đúng vào thời điểm bán được giá, thông qua xử lý cho trái theo ý muốn. Mặt khác, ông qui hoạch líp khóm hợp lý để dễ chăm sóc, thu hoạch, quản lý, tích cực cải tạo trồng mới khi khóm đến tuổi già cỗi và chọn con giống tốt khi sản xuất. Theo ông Biền, nhiều người trồng khóm không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao là do không dám mạnh dạn phục tráng (trồng mới lại) ruộng khóm. Đây là một sai lầm. Vì cây khóm ngày càng già cỗi sẽ cho trái nhỏ, năng suất thấp, bán rẻ nên lợi nhuận không bao nhiêu. “Cứ 4 năm 1 lần, tôi trồng mới lại nên khóm của tôi lúc nào cũng cho bông to, trái đẹp. Đặc biệt là rất đều trái. Một năm ruộng khóm của tôi cho 6 lần thu hoạch, năng suất cao, chất lượng và mẫu mã đẹp nên tất nhiên là phải bán được giá hơn. Trung bình 1 ha khóm của tôi cho thu hoạch 25 tấn/năm. Với chi phí đầu tư 1.500 đồng/kg khóm thương phẩm, trung bình mỗi năm tôi lãi từ 600 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, tôi còn có nguồn thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng từ chăn nuôi bò và làm dịch vụ máy xúc để làm đất trồng khóm cho bà con trong vùng”. Khoảng thu nhập tròm trèm 1 tỷ đồng mỗi năm như thế không phải người nông dân nào cũng đạt được. Theo bình chọn của Hội Nông dân tỉnh, ông Ngô Văn Biền là người đứng đầu trong “top” những nông dân giỏi, có thu nhập cao của huyện Tân Phước.

Đặc biệt, gần đây, được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan, ông Chín Biền là một trong những nông dân đi tiên phong thực hiện mô hình trồng khóm theo VietGAP. Mục đích nhằm tạo ra những sản phẩm khóm chất lượng, an toàn và có lợi thế cạnh tranh cao.

Trong quá trình canh tác theo VietGAP, ông Biền thực hiện 103 yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất và 38 yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng theo lộ trình mà ngành chức năng đã đưa ra. Qua đó, giúp ông thay đổi thói quen canh tác, khắc phục những nhược điểm trong quá trình thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng quả khi thu hoạch; ông đã ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch đồng thời với đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trồng cũng như tiêu dùng.

Hiện nay, trồng khóm theo VietGAP cực hơn bình thường, giá bán không cao hơn bình thường và đầu ra cũng như bình thường. Đây là điều khiến mô hình VietGAP ít được nông dân chấp nhận áp dụng. Tuy nhiên, nông dân Ngô Văn Biền vẫn theo đuổi và mở rộng diện tích áp dụng nó. Vì theo ông đây là sự chuẩn bị tốt để trong tương lai trái khóm của đồng phèn Tân Phước có thể dễ dàng vươn xa ra ngoài biên giới quốc gia. Quả là sự thức thời của nông dân sản xuất giỏi, nông dân điển hình trong thời kỳ hội nhập.