Xăng dầu ’nhấp nhổm’ tăng giá
Chỉ mới hơn một tháng kể từ sau khi tăng giá với mức “khủng” tới hơn 2.000 đồng/lít xăng vào ngày 7/3, đến nay các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lại tiếp tục đề xuất phương án xin tăng giá.
Doanh nghiệp kêu lỗ
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, có 4 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đầu mối xăng dầu vừa gửi phương án tăng giá đến Bộ Tài chính. Lý do mà các DN đưa ra là do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên họ đang bị lỗ, nặng nhất là mặt hàng xăng.
Việc tăng giá xăng dầu cần phải tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân. |
Cụ thể, xăng A92 lỗ khoảng 1.000 đồng/lít (nếu trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì còn lỗ 700 đồng/lít), dầu DO lỗ khoảng 500-600 đồng/lít (trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít, sẽ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít). Do đó, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bắt đầu cắt giảm hoa hồng cho hệ thống đại lý từ 100-150 đồng/lít, hiện còn 300-350 đồng/lít đối với xăng và 450 đồng/lít đối với dầu.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Xuân - Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực I cho biết, đúng là DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ. Tuy nhiên, ông Xuân không nêu mức lỗ cụ thể và như thế nào đối với từng mặt hàng xăng dầu tại DN mình.
Trước đó, ông Võ Văn Quyền -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu trong những tháng đầu năm nay đúng là đang vượt giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu hay không vẫn sẽ phải tuân theo nguyên tắc.
“Chúng ta tăng giá xăng dầu ở thời điểm này nhiều sẽ dễ dẫn đến lạm phát cao, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nhưng không tăng giá thì DN sẽ thua lỗ, khó kinh doanh; do vậy chúng tôi đang tính đến một phương án khả thi nhất để dung hòa hai yếu tố này” - ông Quyền nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương hiện giá xăng dầu của VN đang thấp hơn các nước xung quanh làm cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại gặp khó khăn hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố để các bộ, ngành xem xét việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Nhiều hệ lụy nếu tăng…
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trong 1 tháng qua vẫn ở mức cao, khoảng 134 USD/thùng, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu hiện đang ở mức 0%. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ phải xem xét tính toán việc xin tăng giá này để đảm bảo hài hòa lợi ích quyền lợi của người tiêu dùng và DN.
Hiện lại có khá nhiều tin đồn đoán về việc giá xăng dầu sắp tăng. Khi được hỏi về câu chuyện “DN đầu mối xăng dầu tiếp tục kêu lỗ”, TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã lắc đầu và khẳng định: “Quả thật không hiểu nguyên nhân vì sao lại kiến nghị tiếp tục tăng giá”.
Theo TS Đinh Tuấn Minh, đương nhiên tăng giá xăng dầu sẽ tác động tới nền kinh tế. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng tiền tệ, trước áp lực chi tiêu mạnh hơn, cộng hưởng với giá xăng nếu được tăng sẽ làm lạm phát quay trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ lại được chính giá xăng “hâm nóng”.
TS Đinh Tuấn Minh - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét: Dù tăng giá hay không vẫn là quyết định ở Bộ Tài chính. “Theo định hướng của các cơ quan quản lý, nhất là Bộ trưởng Tài chính thì chậm nhất là 2012 sẽ đưa giá xăng và các mặt hàng trọng điểm khác đi theo giá thị trường, nên người dân cũng cần xác định rằng, giá xăng sẽ thường xuyên được điều chỉnh” - TS Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, nếu DN muốn tăng thì cũng nên tăng nhịp nhàng không nên gây sốc. Ông dẫn chứng, đợt tăng giá ngày 7/3 vừa qua, mỗi lít xăng tăng 2.100 đồng/lít dù được đồng thuận nhưng không ít người ngạc nhiên. Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu chỉ nên với biên độ nhẹ, từ 300-500 đồng/lít (kg). Lương chưa tăng mà DN xăng đã muốn đi tắt đón đầu tăng giá là không nên. “Nếu các cơ quan quản lý cho tăng giá xăng để “chiều lòng DN” thì sẽ có rất nhiều hệ luỵ” - TS Minh nhận định.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.