Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử gắn với việc trùng tu rạp hát Tiền Giang .

       Tiền Giang là vùng đất có bề dầy về lịch sử văn hóa, là mảnh đất sinh sôi của phong trào Đờn ca tài tử hồi đầu thế kỷ 20, nơi sản sinh ra những danh cầm, những diễn viên mà tiếng đờn, giọng ca của họ trở thành bất tử trong giới mộ điệu.
                  Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đờn ca tài tử vẫn khẳng định giá trị của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Đờn ca tài tử tại Thới Sơn. Ảnh: Ngọc Thịnh

Qua thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay số nghệ nhân trong tỉnh giỏi nghề, chơi đúng bài bản - phong cách nhạc tài tử không nhiều, đa số vẫn còn ở trình độ “tài tử”, chỉ biết đờn và ca bài vọng cổ. Do điều kiện của xã hội, Đờn ca tài tử hiện nay chủ yếu chỉ biểu diễn ở các nhà hàng, quán ăn, điểm du lịch, đám tiệc, giỗ chạp… với những bài bản “tài tử pha cải lương” nên người thưởng thức (nhất là lớp trẻ) rất dễ có cái nhìn sai lệch, thiếu chiều sâu về nghệ thuật Đờn ca tài tử - dòng nhạc độc đáo, đặc thù của Nam bộ.

Rạp hát Tiền Giang hiện tọa lạc trên đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho do ông Châu Văn Tú (“Thầy Năm Tú” - người xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) xây dựng vào đầu năm 1918, đây là rạp hát cải lương đầu tiên ở nước ta gắn liền với lịch sử nghệ thuật cải lương Nam bộ với các nghệ sĩ tài danh như: Năm Châu, Phùng Há, Sáu Nhiêu, Năm Phỉ, Bảy Nam, Tám Củi… Khoảng từ năm 1990 đến nay, do các đoàn cải lương gặp khó khăn nên ít về biểu diễn, rạp hát cải lương chưa được trùng tu lần nào, nên rạp hát ngưng hoạt động, và hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Ngôi nhà của Bạch Công tử Lê Công Phước hiện tọa lạc trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, TP. Mỹ Tho, được xây dựng vào khoảng năm 1920. Bạch Công tử có tên là Lê Công Phước, thường gọi là George Phước, người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho xưa. Ông là chủ gánh hát Huỳnh Kỳ nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20, người có công “cách tân” nghệ thuật cải lương Việt Nam, là người đầu tiên đưa cải lương Việt Nam lưu diễn trên đất Pháp năm 1931, đưa cải lương lưu diễn ở miền Bắc, xây dựng rạp hát Tân Viễn Trường, đã đầu tư nhiều tiền của cho lĩnh vực này và ngôi nhà ông gắn liền với lịch sử sân khấu cải lương của tỉnh.

Trước thực trạng hoạt động khá “lắng” bộ môn Đờn ca tài tử của tỉnh, tình trạng xuống cấp của rạp hát Tiền Giang và ngôi nhà Bạch Công tử, cuối năm 2011, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án  “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với việc trùng tu rạp hát Tiền Giang - ngôi nhà Bạch Công tử phục vụ cho hoạt động Đờn ca tài tử - cải lương và khai thác du lịch giai đoạn 2012-2015”. Mục tiêu chung của Đề án là :

Khẳng định giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử là loại hình văn hóa phi vật thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Nâng cao nhận thức của nhân dân trong tỉnh về giá trị truyền thống của nghệ thuật Đờn ca tài tử, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuyên truyền rộng rãi di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử trong tỉnh, khu vực và quốc gia thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mở chuyên khoa đào tạo Đờn ca tài tử, Hội Văn học - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đưa việc đào tạo bồi dưỡng Đờn ca tài tử vào hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Tạo điều kiện cho nghệ nhân Đờn ca tài tử biểu diễn, giao lưu,  truyền dạy chuyên môn, tổ chức liên hoan, thi sáng tác lời ca mới và in thành sách phổ biến cho phong trào.

Đầu tư, cải tạo, nâng cấp rạp hát Tiền Giang và ngôi nhà của Bạch Công tử Lê Công Phước để phục vụ cho hoạt động đờn ca tài tử - cải lương gắn với hoạt động du lịch, cũng như để lưu giữ, giáo dục truyền thống của bộ môn nghệ thuật này - mà Tiền Giang là cái nôi.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2015 là: Trùng tu rạp hát Tiền Giang và hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn giao lưu Đờn ca tài tử - trích đoạn cải lương phục vụ công chúng định kỳ hàng tháng tại rạp hát Tiền Giang. Bố trí một đội Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch tham quan ngôi nhà Bạch Công tử Lê Công Phước khi công trình này được trùng tu xong, đưa vào khai thác. Mở các lớp dạy Đờn ca tài tử miễn phí cho lực lượng hoạt động Đờn ca tài tử trong tỉnh. Phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho Đờn ca tài tử, sưu tầm các bài bản gốc, các bài viết - nghiên cứu có giá trị in thành tập sách phổ biến cho phong trào. Tổ chức tọa đàm, mở chuyên mục “Trao đổi nghiệp vụ Đờn ca tài tử” trên tập san Thông tin nghiệp vụ của ngành, làm phim phóng sự truyền hình giới thiệu về Đề án, đưa tin - bài viết về hoạt động Đờn ca tài tử trên trang Web của ngành, đăng trên chuyên trang “Đời sống văn hóa” báo Ấp Bắc.  Xây dựng chương trình Đờn ca tài tử với nhiều dạng thức, thu vào đĩa CD, DVD cung cấp cho các câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử trong tỉnh và phổ biến rộng rãi trong phong trào. Tổ chức các cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử trên sân khấu, trên sóng phát thanh - truyền hình cấp tỉnh. Hai năm một lần, cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử. (Tổng kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2015 là 14, 608 tỷ đồng).

Để làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án vào tháng 5/2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tổng hợp ý kiến đóng góp Đề án của các sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân TP. Mỹ tho để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án.

Việc xây dựng, thực hiện Đề án là hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, nhằm giữ gìn, phát triển loại hình âm nhạc truyền thống mang bản sắc văn hóa Nam bộ đúng với nguyên tắc cổ truyền là việc làm rất cần thiết và cấp bách, làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.