Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông
Học sinh THPT sẽ có quyền lựa chọn môn học. Ảnh:VGP/Nguyệt Hà |
Giảm từ 4-5 môn học so với chương trình cũ
Cụ thể, số lượng môn học sẽ giảm đáng kể và các em sẽ tự chọn môn học thay vì phải học 13 môn như hiện nay. Cụ thể, học sinh THCS sẽ chỉ phải học 7-8 môn bắt buộc và THPT chỉ có 4 môn bắt buộc.
Theo Ban soạn thảo, hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất giữa các lớp trước và sau, tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên. Hệ thống các môn học cũng điều chỉnh để tương thích với nhiều nước trên thế giới.
Theo thiết kế trong dự thảo, có 8 lĩnh vực giáo dục xuyên suốt 3 cấp học, gồm: Ngôn ngữ và Văn học, Toán học, Đạo đức-Công dân, Thể chất, Nghệ thuật, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ-Tin học.
Mỗi lĩnh vực sẽ có các môn học cốt lõi và có điều chỉnh theo lớp, cấp. Ví dụ lĩnh vực giáo dục khoa học ở lớp 1, 2, 3 sẽ có môn học Cuộc sống quanh ta và tới lớp 4, lớp 5 tách ra thành 2 môn là Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên, tương ứng với 2 môn Khoa học Xã hội (tích hợp nội dung của các môn học truyền thống Lịch sử, Địa lí) và Khoa học Tự nhiên (tích hợp nội dung các môn học truyền thống Vật lí, Hóa học, Sinh học).
Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) nhiều môn học truyền thống được tích hợp trong môn học mới thì ở bậc THPT, một số môn học truyền thống được trở lại như: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí; bên cạnh đó là nhiều chuyên đề học tập mới mang định hướng nghề nghiệp cao.
Điểm mới so với nhiều dự thảo trước đây là ở cả 3 cấp học, hệ thống môn học đều được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn. Trong nhóm môn học tự chọn cũng có nhiều loại môn tự chọn học sinh có thể chọn hoặc không chọn; những môn học sinh bắt buộc phải lựa chọn một hoặc một số môn trong nhóm; nội dung học sinh có thể lựa chọn trong một môn học… Nội dung tự chọn này sẽ tăng dần từ lớp thấp lên lớp cao.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong cả cấp THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng. Nhưng học sinh sẽ phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định của chương trình. Chương trình sẽ dành thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.
Thêm một số môn học mới
Sẽ có những môn học mới được tích hợp từ các môn học truyền thống, hoặc thay tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục. Gọi là mới nhưng thực chất đây là các môn học có nội dung kế thừa chương trình hiện hành và bổ sung các nội dung mới hoặc tích hợp, lồng ghép các nội dung liên quan trong một môn học. Do đó, dù thêm môn học mới nhưng số lượng các môn học theo dự thảo CT GDPT vẫn giảm 4-5 môn so với chương trình hiện hành.
Theo đó, mỗi cấp học sẽ có thêm 2-3 môn học mới.
Ở cấp tiểu học, 2 môn học có tên gọi mới là: Cuộc sống quanh ta (từ lớp 1 tới lớp 3), Giáo dục lối sống (từ lớp 1 tới lớp 5).
Cuộc sống quanh ta là môn học có nội dung vừa kế thừa môn Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành, vừa bổ sung và phát triển theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Môn học Giáo dục lối sống vừa kế thừa nội dung chương trình môn Giáo dục đạo đức của chương trình hiện hành, vừa phát triển, bổ sung, thiết kế lại theo yêu cầu mới. Tiếp nối môn học này ở THCS là môn Giáo dục công dân.
Cấp THCS, có thêm môn học mới là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Môn Khoa học Tự nhiên có cấu trúc nội dung tích hợp các chủ đề của các phân môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Khoa học Trái đất, đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Môn Khoa học Xã hội với cấu trúc nội dung tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lí, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo…
Môn học mới ở cấp THPT gồm: Công dân với Tổ quốc, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên.
Công dân với Tổ quốc gồm các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân cách công dân và giáo dục về quốc phòng-an ninh.
Khoa học Xã hội nhằm trang bị kiến thức cơ bản nhất, liên hệ mật thiết với sự phát triển của xã hội và cuộc sống hiện thực cần thiết cho tất cả mọi người.
Khoa học Tự nhiên nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất, có tính nguyên lý chung nhất của giới tự nhiên cần thiết cho tất cả học sinh theo định hướng nghề nghiệp ở bất kỳ nhóm ngành nào để duy trì phát triển ở mức cao hơn trên nền hiểu biết rộng.
Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục mới của cả 3 cấp học, được phát triển từ các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá của chương trình hiện hành, được thiết kế thành các chuyên đề tự chọn nhằm giúp học sinh phát triển các năng lực, kỹ năng, niềm tin, đạo đức… Hình thức và phương pháp chủ yếu là: thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động.
VGP News
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.